“Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” 

(ĐCSVN) – Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam.

 

Các diễn giả tham dự Hội thảo (Ảnh: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) 

Ngày 17/4, tại Hà Nội, 300 nhà khoa học đến từ các tổ chức quốc tế như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và các cơ quan trung ương, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội, các viện nghiên cứu, trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh; các chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp; các phóng viên báo chí đã tham dự Hội thảo và sự kiện ra mắt Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023.

Đây là hội thảo quốc gia thường niên có quy mô lớn do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức về Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, đồng thời công bố Ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề: “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”

Bìa Ấn phẩm (Ảnh: HNV) 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, năm 2023 được coi là một trong những năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm gần đây khi phải đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn từ bối cảnh quốc tế như tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều nước và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 vẫn còn kém hơn nhiều so với giai đoạn trước COVID-19, trong đó, nổi bật nhất là sự suy yếu của tổng cầu và các thành tố quan trọng của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư, cùng với chất lượng tăng trưởng không được cải thiện.

“Tổng cầu đóng vai trò quan trọng trong xác định mức độ hoạt động kinh tế và việc làm trong nền kinh tế. Tổng cầu giảm cho thấy nền kinh tế có nguy cơ suy thoái, điều này ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và chi tiêu của người dân… Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam, điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu, từ đó phục hồi tổng cầu, tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” – GS.TS Phạm Hồng Chương nói.

Dịp này, GS.TS Phạm Hồng Chương cũng nhấn mạnh, Hội thảo ngày hôm nay bên cạnh đánh giá tổng quan chung nền kinh tế, sẽ tập trung thảo luận về các thành tố từ phía phía tổng cầu với mục tiêu phục hồi tổng cầu và tăng trưởng kinh tế. Kết quả của Hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

 TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu đề dẫn (Ảnh: HNV)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức). Báo cáo cũng đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu; những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân; đánh giá đóng góp của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng kinh tế. Từ đó, đề xuất phương hướng, khuyến nghị chính sách trong điều hành kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo cũng như các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững trong bối cảnh mới. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm lớn của các cơ quan ban ngành và các chuyên gia kinh tế. Hội thảo đã nhận được hơn 120 bài viết gửi về, và sau khi phản biện, đã có 68 bài viết đã được đăng tải trong kỷ yếu.

Thông tin tóm tắt về Ấn phấm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023, GS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2023 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2023 (thành tựu và những tồn tại, đánh giá nguyên nhân, phân tích cơ hội và thách thức). Ngoài phần Giới thiệu, báo cáo bao gồm phần Tóm tắt báo cáo và phần Báo cáo chính. Tóm tắt Báo cáo sẽ tóm tắt lại toàn bộ báo cáo với cách viết không mang tính kỹ thuật, thân thiện với người đọc. Báo cáo chính được cấu trúc thành ba phần. Vì là một báo cáo đánh giá kinh tế thường niên, nên Phần I (Kinh tế Việt Nam năm 2023) nghiên cứu về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2023. Phần II (Thực trạng tổng cầu và vai trò của tổng cầu trong tăng trưởng) có mục tiêu đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố của tổng cầu cũng như tác động của các thành tố tổng cầu đến tăng trưởng. Phần III (Triển vọng Kinh tế năm 2024 và Khuyến nghị chính sách) trình bày triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2024; đồng thời dựa trên các kết quả nghiên cứu ở Phần I và Phần II, đưa ra các khuyến nghị chính sách vĩ mô nói chung và các chính sách thúc đẩy các thành tố của tổng cầu để tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB Việt Nam tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Nêu lên kinh nghiệm quốc tế trong quản lý tổng cầu và những bài học cho Việt Nam trong bối cảnh mới, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB Việt Nam đề xuất đối với các thách thức từ trong nước, Việt Nam cần phải tăng cường tiêu dùng kết hợp với chính sách tài khóa để tăng cung tiền mặt trong lưu thông. Trong khu vực, hầu hết các quốc gia giữ vững đà tăng trưởng tốt đều là những quốc gia có thị trường nội địa rất phát triển và mức tiêu thụ nội địa rất cao. Ấn Độ và Indonesia là điển hình giữ vững tăng trưởng tốt với động lực từ thị trường nội địa. Giám đốc ADB khuyến nghị, Việt Nam cần bảo đảm đầu tư công đi đúng hướng. Chính phủ đã đặt ra mục tiêu là giải ngân 95% trong số hơn 27 tỷ USD đầu tư công vào năm 2024. Theo đó, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và kiên cường trong các lĩnh vực như điện, đường bộ và hậu cần để có thể tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việt Nam cần cải thiện môi trường pháp lý và thực hiện cải cách chính sách cần thiết để bảo đảm giải ngân nhanh chóng. Vị Giám đốc ADB cũng nhấn mạnh, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam trong 2024 sẽ vẫn là dịch vụ, sản xuất, FDI và tiêu dùng, tiếp tục duy trì cách tiếp cận tuyệt vời và sâu rộng trong việc tham gia tích cực, có trách nhiệm góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV)

Phân tích về triển vọng, cơ hội, thách thức cho Việt Nam năm 2024 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ chính sách để thúc đẩy quá trình phục hồi, tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về lãi suất với các quy định về giãn, hoãn hiệu quả, hợp lý; tăng cường thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước, nâng cao khả năng giám sát của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tăng cường các chế tài xử lý vi phạm cũng như hiệu quả giám sát tới hệ thống ngân hàng và tổ chức tín dụng, cơ cầu lại nền kinh tế, cải thiện thể chế và nới lỏng các quy định tiếp cận tài chính theo hướng tinh giản, linh hoạt và an toàn.

Cũng tham luận tại Hội thảo, phân tích về kinh tế Việt Nam năm 2023-2024, thúc đẩy đầu tư tư nhân, một động lực tăng trưởng quan trọng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính –Tiền tệ Quốc gia chỉ rõ, cần khai thác các động lực tăng trưởng mới trong đó lưu ý đến chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy vai trò của các đầu tàu kinh tế - xã hội cũng như tận dụng cơ hội từ hội nhập và ngoại giao kinh tế. Cũng theo TS Cấn Văn Lực, còn cần đảm bảo nhóm giải pháp củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu gồm có: thực hiện thành công các cơ chế, chính sách, nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã ban hành, nhất là Nghị quyết 103/2023/QH15; Nghị quyết 01 và 02/2024/NQ-CP đồng thời kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là thị trường đất đai, xây dựng, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp; thúc đẩy các động lực tăng trưởng hiện hữu ((i) đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; (ii) kích cầu đầu tư tư nhân & tiêu dùng nội địa; (iii) áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với chính sách tài khóa làm chủ lực, chính sách tiền tệ phối hợp; (iv) quan tâm thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác) nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, cần chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công…) nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; lành mạnh hóa hệ thống doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.

Các diễn giả thảo luận bàn tròn tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

Thảo luận bàn tròn tại Hội thảo, các diễn giả chuyên gia và nhà quản lý trong nước và quốc tế đã cùng nhau làm rõ bối cảnh kinh tế thế giới và tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023; đánh giá diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua các khu vực chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách); thành tựu và những hạn chế, đánh giá nguyên nhân của những hạn chế; đánh giá thực trạng tổng cầu và các thành tố từ phía tổng cầu (đầu tư, tiêu dùng, chênh lệch xuất nhập khẩu), những kết quả đạt được, những hạn chế tồn tại và nguyên nhân. Đánh giá đóng góp của các thành tố này đến tăng trưởng kinh tế. Các diễn giả cũng đã phân tích những cơ hội và thách thức trong năm 2024; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024; từ đó khuyến nghị chính sách thúc đẩy tổng cầu, đóng góp vào tăng trưởng một cách bền vững trong bối cảnh mới.

 GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin tại họp báo trước Hội thảo (Ảnh: HNV)

Trước đó, các tác giả của Ấn phẩm cũng đã thông tin nhanh với báo chí và giải đáp một số thắc mắc liên quan tới các nội dung liên quan tới việc thúc đẩy tổng cầu tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, chỉ ra bức tranh tổng quan với nhiều thuận lợi và cũng không kém phần thách thức của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 cùng triển vọng 2024 trước bối cảnh diễn biến phức tạp khó lường của khu vực, thế giới. Trả lời báo chí về nội dung kinh tế tư nhân, tỷ giá lãi suất, các tác giả cũng nhấn mạnh tới yếu tố khu vực kinh tế tư nhân và nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá trong suốt thời gian qua./.

 

 
Hân Nguyễn
98 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1492
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1492
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168137