Sự năng động, đổi mới, sáng tạo đã giúp xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt giá trị cao trong năm 2020 và quý I/2021 trước tác động của dịch COVID-19.(Ảnh: ĐH)

Xuất khẩu gỗ và lâm sản đang giữ vị trí chủ lực cho kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Trong năm 2020, giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 41,25 tỷ USD thì riêng ngành hàng này đã chiếm tới 13,17 tỷ USD. Đạt được kết quả này chính là bước lội ngược dòng đầy ngoạn mục của ngành gỗ và lâm sản Việt Nam khi đối mặt với làn sóng mang tên “đại dịch COVID-19”.

Những tháng đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tác động đến nước ta, ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản đã phải “điêu đứng” khi trong tháng 3 và tháng 4/2020, một loạt các đơn đặt hàng lớn bị giãn hoặc bị hủy bỏ. Cùng với đó, khi thực hiện giãn cách toàn xã hội vào tháng 4/2020 để phòng, chống dịch, xuất khẩu gỗ và lâm sản càng gặp khó khăn hơn.

Số liệu cho thấy, tính đến tháng 4/2020, khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, tạm ngưng và cũng chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ quý I/2020 chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, EU khoảng gần 9% gần như đóng băng; các thị trường Nhật Bản chiếm 12%, Hàn Quốc 7-8% cũng chỉ có lác đác một số đơn hàng. Tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ có thể nói là ngừng trệ nghiêm trọng. Do không có đơn hàng nên các doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ. Thời điểm đó đã có nhiều doanh nghiệp cho nghỉ từ 45 – 80% số lao động hoặc giãn thời gian làm việc.

Qua khảo sát bước đầu ở 130 doanh nghiệp lớn, bình quân mỗi doanh nghiệp trong quý I/2020 thiệt hại 25 tỷ đồng; tổng thiệt hại của các doanh nghiệp này từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng. Và chỉ có khoảng 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, còn lại trên 90% doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc luân chuyển một bộ phận lao động.

Tưởng chừng như đã đi vào “ngõ cụt”, đã có những tiếng thở dài vì không tìm thấy lối ra do đại dịch COVID-19. Nhưng vượt lên tất cả, các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản đã chủ động đứng dậy, tự tìm cho bản thân những lối đi mới, cách làm mới. Để không đứng tại chỗ nhìn vào thực tế “mờ mịt”, mà phải tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, vực dậy là mục tiêu của các doanh nghiệp ngành gỗ.

Và từ đây, nhiều cách làm mới đã được ra đời trong bối cảnh tác động xấu từ đại dịch COVID-19 (ảnh hưởng trực tiếp là giãn cách xã hội, các khách hàng, đối tác và người cung cấp không thể gặp mặt để giao lưu, trao đổi thông tin, xem mặt hàng, ký kết hợp đồng...). Một trong số đó có thể kể đến nền tảng trực tuyến mang tên hy vọng - “HOPE”. Với nền tảng triển lãm trực tuyến này đã giúp kết nối doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các nhà mua hàng trên toàn cầu. Thông qua ứng dụng công nghệ số và tiếp thị trực tuyến, doanh nghiệp triển lãm trên HOPE đã số hóa sản phẩm, xây dựng các không gian triển lãm 3D, tối ưu hoá kết quả tìm kiếm và quản trị khách hàng… từ đó, phát huy tối đa khả năng kết nối giao thương trực tuyến.

Và áp dụng cách làm mới này, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hơn 50 đơn hàng xuất khẩu thành công. Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc Kinh Doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương cho rằng: “HOPE là công cụ tốt để doanh nghiệp số hóa không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm trực quan, hỗ trợ quá trình ra quyết định đặt hàng nhanh chóng của nhà mua hàng. Khi đại dịch COVID-19 vẫn còn chưa được kiểm soát, đây chính là kênh thương mại hiện đại và đắc lực".

Từ tháng 8/2020 đến tháng 2/2021 nền tảng này đã có tổng cộng hơn 20.000m2 diện tích showroom với gần 10.000 sản phẩm đến từ 70 doanh nghiệp triển lãm, thu hút gần 30.000 khách tham quan đến từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó các quốc gia có lượng khách tham quan HOPE cao gồm: Mỹ, Anh, Canada, Germany, France, Australia, Korea… Không chỉ kết nối doanh nghiệp với khách hàng, nền tảng này còn có khả năng mở rộng kết nối cho các tổ chức, hiệp hội với nhau.

Cùng với giải pháp trên, trong bối cảnh đơn hàng khan hiếm, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến việc đầu tư thiết bị hiện đại với hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, tiết kiệm nguyên vật liệu, thân thiện với môi trường để sản xuất, chế biến đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng quốc tế, từ các sản phẩm phổ thông, đến phân khúc sản phẩm trung và cao cấp yêu cầu tính mỹ thuật cao, chất lượng. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sơn, keo, vật liệu trang trí bề mặt để thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, tiết kiệm chi phí,  giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nói vậy để thấy trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản đã tự vực dậy, khơi dậy trí tuệ,sức sáng tạo, tìm tòi để tháo gỡ khó khăn, và vượt qua khó khăn để tìm đến những đích mới với kết quả cao hơn.

Thực tế trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài sự hỗ trợ chung của Nhà nước về mặt chính sách thì chính sự chủ động của các doanh nghiệp ngành gỗ là giải pháp hàng đầu để “cứu cánh”cho các doanh nghiệp. Điều này cũng thể hiện trong thời gian qua, khi ngoài những cách làm mới, cách làm sáng tạo, nhiều chủ doanh nghiệp gỗ còn tự thế chấp tài sản có giá trị của bản thân để cứu doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp không giao trực tiếp được đơn hàng thì chuyển các đơn hàng qua internet, rồi không bán hàng trực tiếp được thì bán hàng online. Các doanh nghiệp sẵn sàng thế chấp cả toàn bộ tài sản của mình để làm sao có vốn giữ được người lao động”, để thấy rõ những nỗ lực, quyết tâm của chính các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Con số 13,17 tỷ USD cán đích trong năm 2020, thậm chí còn vượt mức mục tiêu đề ra 12,5 tỷ USD của năm khi dịch COVID-19 chưa xuất hiện ở trong nước là kết quả minh chứng cho bước “lội ngược dòng” ngoạn mục của ngành gỗ và lâm sản.

Và trên đà tăng tốc, trong 3 tháng đầu năm 2021, riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 3,7 tỷ USD, tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm 2020, tiếp tục là tín hiệu đáng mừng cho thấy ngành gỗ và lâm sản đang trên đà đi đúng hướng.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 dự báo vẫn tiếp tục kéo dài, kéo theo nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn trên thế giới. Cùng với đó là các hệ thống logistic bị gián đoạn càng đòi hỏi ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản càng phải thích ứng hơn nữa với bối cảnh mới, phát huy những thế mạnh tích lũy được trong năm qua khi vượt qua những rào cản của dịch COVID-19 để cán mốc xuất khẩu lớn. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo tìm ra những cách làm hay trong thời gian tới để đáp ứng được mục tiêu như Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đầu tháng 4 vừa qua, khi đề ra giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 18-20 tỷ USD vào năm 2025, 23-25 tỷ USD vào năm 2030.

Và gần hơn là để đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm 2021 khi được Thủ tướng Chính phủ giao giá trị xuất khẩu đạt 44 tỷ USD càng đòi hỏi ngành gỗ và lâm sản cần có nhiều nỗ lực để phấn đấu đạt được kết quả xuất khẩu cao hơn khi là ngành có đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu nông sản.

“Thửa lửa” với dịch COVID-19, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã trải qua con sóng “dữ dội” dưới tác động của đại dịch nhưng đây cũng là bước để ngành gỗ và lâm sản Việt Nam trưởng thành hơn trong bối cảnh vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi thế giới. Vượt qua được khó khăn do đại dịch để tiếp tục cán đích những mốc mới ấn tượng chắc chắn sẽ để lại những bài học kinh nghiệm đắt giá cho ngành gỗ và lâm sản.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, làm giảm đà tăng trưởng và kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của nhiều ngành kinh tế, lâm nghiệp vẫn “trụ vững” và gặt hái được thành công ngoài sức mong đợi. Và đây, cũng chính là bài học, kinh nghiệm cho nhiều ngành nông sản khác để tìm cách gỡ khó trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, không chịu “đầu hàng”, khuất phục trước khó khăn, mà không ngừng suy nghĩ, không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, vươn lên để tìm đến thành công./.

 
BT