Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Thảo luận về nội dung này tại hội trường sáng 7/6, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98. (Ảnh: Q.Khánh)
ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, việc tham gia vào công ước này chính là chúng ta xây dựng khung khổ pháp luật, để bảo đảm cho thỏa ước thương lượng tập thể cho quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ cho các tổ chức, cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng. “Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp”, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Ngoài ra, việc tham gia Công ước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động có nhiều cố gắng, tuy nhiên thương lượng tập thể vẫn chưa thực sự hiệu quả. Điều này chưa thực sự bảo đảm được quyền lợi của người lao động cũng như quyền lợi của giới chủ. Việc tham gia Công ước nhằm bảo đảm cạnh tranh lao động.
ĐB Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị, cần nghiên cứu tái cơ cấu lại Quỹ công đoàn.
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) kiến nghị, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cụ thể hóa, luật hóa trong Bộ luật Lao động về vấn đề thương lượng. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cả về thực hiện pháp luật lao động cả về thực hiện pháp luật về đầu tư.
ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: Đây cũng là thời cơ, thách thức mà tổ chức Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình do Đảng và Nhà nước giao.
"Chúng tôi đang xin trình cấp có thẩm quyền xây dựng đề án đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, phù hợp theo thông lệ quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm của một số nước" – ĐB Bùi Văn Cường nói.
Tham gia giải trình ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Trong quá trình xây dựng Tờ trình, các Bộ đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá sự cần thiết, tính khả thi cũng như kế hoạch, chương trình cụ thể khi gia nhập Công ước số 98.
"Đến thời điểm này, việc chúng ta phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và có thể khẳng định là đã chín muồi. Các quy định của Công ước 98 hoàn toàn thực thi hiệu quả được. Các điều kiện chúng ta cam kết hoàn toàn phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định./.
Thu Hằng