Bức tranh của Sáu và bó hoa dâm bụt
Nhà của em Hồ Thị Sáu ở bản Chân Rò, xã Đak Rông (huyện Đak Rông, tỉnh Quảng Trị), dù không xa trung tâm, nhưng để đến được đó phải đi đò qua sông Đak Rông và 2 con suối mùa nào nước cũng ăm ắp, nên gần mà hóa rất xa. Khi lên cấp hai, học lớp 6 A2 của Trường THCS Đak Rông, Sáu ở nhờ nhà của người thân bên kia sông để tiện việc học. Cuối tuần rồi, Sáu về thăm nhà ở bản Chân Rò, tiện thể chuẩn bị quà 20.11 để tặng cô giáo An chủ nhiệm.
Về đến nhà, Sáu nhờ bố lên rẫy nhổ cho ít củ sắn, nhờ mẹ bẻ cho ít măng rừng để ngày thứ 2 đưa sang trường tặng cô. Nhưng dịp này, rẫy sắn của bố chưa thu hoạch được, củ mới bằng ngón tay. Năm nay, bố cũng không làm nếp than trên rẫy, nếp thường và gạo làm quà tặng thì... hơi kỳ. Còn măng thì mẹ của Sáu luồn rừng cả sáng, chỉ được mấy mụt nhỏ, đem biếu cô giáo cũng ngại. Vì kế hoạch chuẩn bị quà như mọi năm không ổn, nên Sáu nghĩ đến việc vẽ bức tranh để tặng cô.
Do không có nhiều bút màu, nên Sáu quyết định vẽ tranh bằng bút bi ở khổ giấy trắng A4. Sáu kéo cánh cửa đan bằng tre ở ngôi nhà sàn ra cho ánh nắng chiếu vào, lấy 2 tập vở kê lên làm bàn rồi gí sát mặt vào đó, hí hoáy từng nét vẽ. Cô giáo trong bức tranh của Sáu mang áo dài có họa tiết, cô nở nụ cười khi có 4 học sinh mang đồng phục cầm những nhành hoa đến tặng. Phía trên bức tranh là dòng chữ “Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20.11”, còn phía dưới cùng, là “Hình tặng cô An. Học sinh Hồ Thị Sáu”.
Bố của Sáu - ông Hồ Văn Lằn - kể, những năm trước, vào ngày 20.11 ông thường lên rẫy, nhổ ít sắn mỳ về để ở góc nhà. Sáu sẽ mang ra bờ suối rửa sạch, kiếm cái bao nilong màu tối rồi bỏ vào. Có năm, mẹ Sáu bẻ được măng, xâu lại bằng sợi dây tre rồi sáng sớm là em xách đến trường tặng cô. “Người đồng bào mình còn nghèo, nhưng tấm lòng biết ơn thầy, cô giáo thì không nghèo đâu. Mình nói với Sáu và các con, từng ấy củ sắn, măng rừng không có giá trị, nhưng đó là tình cảm, mong thầy cô giáo sẽ hiểu tấm lòng” - ông Lằn nói. Đó là những năm trước, năm này chỉ có mỗi bức tranh của Sáu tự vẽ làm quà tặng cô. Nhìn bức tranh, ông Lằn nói “cô An lớn tuổi rồi mà như thiếu nữ ri”, Sáu nói “con mong cô trẻ khỏe mãi, để dạy con đến hết lớp 9”.
Hoàn thành bức tranh, Sáu đi bộ đến điểm trường Chân Rò của Trường Tiểu học số 1 Đak Rông để chơi với các bạn trong bản, năm trước Sáu học ở điểm trường này. Trước giờ ra chơi, cô giáo Trần Thị Kim Ánh (SN 1985) dặn các em học sinh ở điểm trường rằng, mấy ngày tới mưa, nếu nước sông dâng cao, thầy cô không sang sông được thì thứ 2 (20.11) được nghỉ. Nghe cô giáo nói vậy, các em học sinh túm tụm lại, vậy là kế hoạch chuẩn bị quà tặng cô ngày 20.11 có thể không thực hiện được. Nhưng đến giờ vào lớp, một bó hoa dâm bụt đỏ rực với cành nhánh um tùm đặt trên bàn khiến cô Kim Ánh bất ngờ. Cô Kim Ánh nhẹ nhàng hỏi, các em cứ ái ngại, đùn đẩy cho bạn Hồ Thị Hoài Ân - cô bé ngồi bàn đầu đứng lên. Hoài Ân lý nhí từ được, từ mất, đại ý rằng, chúc cô ngày 20.11. Cô giáo Kim Ánh xúc động, cô bảo Hoài Ân thay mặt các bạn lên bảng, cầm lại bó hoa để cô chụp bức ảnh kỷ niệm. “Tôi dạy ở đây 7 năm, thì năm nào cũng nhận được điều bất ngờ từ các em học sinh đồng bào Vân Kiều ở đây. Với tôi, đó là điều hạnh phúc, ý nghĩa” - cô giáo Kim Ánh, chia sẻ.
Bó hoa dâm bụt của học sinh ở điểm trường Chân Rò tặng cho cô giáo
Trần Thị Kim Ánh.
Chiếc “nhẫn vàng” của cô giáo Tiên
“Nhân ngày nhà giáo, em chúc cô sức khỏe, công tác tốt và lấy được người chồng tốt. Chúc cô luôn hạnh phúc” - lời chúc này là của các em học sinh người đồng bào Pa Cô dành cho tặng cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thủy Tiên (giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Kèm với tờ giấy ghi lời chúc là một chiếc nhẫn màu vàng, được bọc trong chiếc phong bì tự xếp bằng tay. Cùng với món quà này, cô Thủy Tiên còn nhận được một chiếc cài tóc có hình con thỏ màu trắng, và những sản vật ở địa phương như nếp đen, mía, dừa, rau… Tròn 1 năm trôi qua, nhưng chiếc nhẫn, cài tóc của học sinh tặng, nữ giáo viên vẫn còn giữ bên mình. “Cài tóc dễ thương lắm, nhưng con nít quá. Nên lâu lâu vào lớp học Tiên mới cài lên đầu. Chiếc nhẫn thì bỏ ở ví, hôm thì đeo nhẫn của mẹ tặng, hôm thì tháo ra đeo nhẫn của học sinh vào, dùng mấy bữa màu vàng trôi đi hết, bây giờ thành nhẫn màu đen nhưng mình vẫn thường xuyên dùng, thấy vậy các em vui lắm” - cô giáo Thủy Tiên hạnh phúc kể về những món quà mà mình nhận được trong ngày lễ kỷ niệm 20.11.
Là cô giáo trẻ, Thủy Tiên nổi tiếng nghiêm khắc ở những giờ dạy trên lớp, nhưng không vì thế mà các em học sinh người đồng bào ở đây không gần gũi cô. Những năm trước, cứ mỗi sáng sớm ngày 20.11, phòng tập thể của cô giáo luôn vang tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Mở cửa, thì học sinh do cô chủ nhiệm đứng sẵn ở đó, rụt rè. Mỗi em ấn vào tay cô giáo một phần quà, rồi chạy vụt mất. Trong những phần quà đó, có chiếc nhẫn và cài tóc là quà có giá trị nhất mà học sinh ở đây đã tặng. Cô giáo Tiên lấy làm áy náy, vì các em phải dành dụm lắm mới có tiền để mua.
Câu chuyện về món quà của cô giáo Thủy Tiên bị ngắt quãng, bởi trời đã về chiều với cơn mưa lớn. Dù cô giáo sống ở thị trấn Khe Sanh, cách trường khoảng 30 cây số, nhưng dọc quãng đường vào trường có đến 4 chiếc cầu tràn, chỉ mưa lớn là ngập cả mét, lúc đó đường đi sẽ là rất nguy hiểm. Thêm nữa, nếu một cuối tuần bình thường, sáng sớm, cô giáo chỉ cần dậy sớm, đi xe môtô vào trường vẫn kịp buổi học, nhưng ngày mai là 20.11, có thể những tiếng gõ cửa ngại ngùng năm nào sẽ lại đến rất sớm, nếu Thủy Tiên không có ở đó, hẳn các em sẽ rất buồn. Vì vậy, cô giáo cột lên xe chiếc túi lớn, bên trong chứa các loại bánh, kẹo mà các em học sinh rất thích đã được cô mua ở chợ trung tâm thị trấn, cô bảo sẽ vào trường bây giờ. “Tiên mua ít bánh kẹo đem vào trường, rồi mời các em đến chơi. Không chỉ ngày lễ này, mà thi thoảng tự mua kẹo để “phong bì” cho các em, tạo sự gần gũi, có như vậy, các em mới quý trường, quý lớp và đi học đầy đủ” - Thủy Tiên chân thành.
Ngày 20.11 của 4 năm về trước, khi con đường vào vùng Lìa (7 xã của huyện Hướng Hóa - Quảng Trị) - nơi cô Thủy Tiên công tác còn đất đỏ hoe với cơ man là “ổ voi” khủng, lúc đó việc học và kinh tế khó khăn hơn bây giờ gấp nhiều lần, chúng tôi cũng đã bắt gặp hình ảnh những chiếc “phong bì” của ngày nhà giáo gồm khoai lang, nải chuối, lon gạo, bông hoa tự trồng… mà học sinh đồng bào Vân Kiều, Pa Cô dành tặng cho thầy cô giáo. Sau ngần ấy thời gian, bây giờ, “phong bì” tặng thầy, cô được chúng tôi đóng mở ngoặc kép vẫn vậy, vẫn là những sản vật giản dị nhưng đầy ân tình mà người cho, người nhận đều rất chân thành...
Nói như thầy giáo Võ Như Hải - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Xing - đối với bất cứ giáo viên nào đang công tại vùng bản, những món quà nhỏ mà học sinh mang đến trong ngày nhà giáo đều có ý nghĩa lớn lao, bởi ai cũng hiểu rằng, điều kiện của các em quá khó khăn, thiếu thốn. “Chỉ cần các em đến trường, học hành nên người là món quà lớn lao nhất dành tặng trong ngày 20.11” - thầy giáo Hải xúc động nói với chúng tôi như vậy, khi đưa tay cầm lấy phần quà là 2 lon nếp bọc trong túi nilon của cậu học trò đen nhẻm mang đến biếu thầy với lời chúc lí nhí trong miệng: “Chúc thầy mạnh khỏe, hạnh phúc”…