“Ngược gió”, tìm cơ hội trong khó khăn 

(ĐCSVN) – Theo các chuyên gia kinh tế, trong thuận lợi bao giờ cũng đều có những khó khăn, quan trọng là chúng ta phải tìm ra được cơ hội trong khó khăn, ứng phó linh hoạt và hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức đó…

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tích tụ thành những "cơn gió ngược", song thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư..., Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế phát triển; ứng phó linh hoạt và hóa giải hiệu quả các khó khăn, thách thức, thậm chí biến "nguy" thành "cơ"... để đưa nền kinh tế ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước (GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%; tính chung 9 tháng tăng 4,24%).

Tại Tọa đàm "Kinh tế Việt Nam vượt những "cơn gió ngược"", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 5/10, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho hay: Trong 9 tháng vừa qua, đất nước ta có khá nhiều kết quả nổi bật. Đầu tiên là tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Trong kết quả này, quý III GDP đạt 5,33% là con số rất tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, Việt Nam đã đạt kết quả tăng trưởng GDP khá cao so với các nước khác.

Các đại biểu tham gia Toạ đàm. Ảnh: TH. 

“Chúng ta đã ứng phó thành công với những "cơn gió ngược" của năm nay nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ trong bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta”, Thứ trưởng khẳng định.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng chỉ ra chúng ta cũng đã vượt qua "cơn gió ngược" về lạm phát. CPI 6 tháng đầu năm khá cao nhưng CPI 9 tháng tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước so với dư địa 4,5% mà Quốc hội cho phép. Trong những tháng cuối năm, chúng ta hoàn toàn có thể điều hành được.

Điểm sáng thứ ba là giải ngân đầu tư công. Trong rất nhiều năm qua, hiếm có năm nào sau 9 tháng kết quả giải ngân đạt được trên 50% (51%) bởi chúng ta thường dồn giải ngân vào những tháng cuối năm.

Cuối cùng, điểm nổi bật trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách. Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho hay, cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không “ỷ lại” vào Chính phủ.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô với hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để đạt được những thành công trên thì chúng ta cũng phải đối mặt và vượt qua không ít khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chỉ ra, dự báo cho thấy khó khăn vẫn tiếp diễn, chưa có tín hiệu rõ ràng sẽ giảm hoặc sẽ chấm dứt. Điều này rất khó cho công tác làm dự báo, cũng như đặt ra những nhiệm vụ, mục tiêu mang tính trung hạn cho cả năm 2024.

Trong đó, có thể kể tới, một số khó khăn mà chúng ta cần phải đối diện và ứng phó trong thời gian tới như: bối cảnh vĩ mô toàn cầu rõ ràng chưa có sự ổn định, do vậy ứng xử trong điều hành chính sách tiền tệ trong nước cần phải rất cẩn trọng, theo dõi chặt chẽ các biến động của thị trường thế giới để kịp thời có những điều chỉnh linh hoạt. Thách thức, khó khăn thứ hai là những vấn đề về chính trị, kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của nước ta đang trên đà phát triển và sản lượng xuất khẩu của chúng ta rất nhiều.

Nền kinh tế  Việt Nam ngày càng tăng tốc trên đà phục hồi và phát triển. Ảnh minh hoạ. Nguồn: TL.

Thứ ba, qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp đang phải đối diện một số vấn đề lớn. Đó là khi càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì lại phải đua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mà thế giới đã đặt ra. Và họ sẽ phải tự chuyển đổi các mô hình, cách thức quản lý, ứng dụng trong sản xuất kinh doanh.

 “Tuy nhiên, đây là cơ hội để lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta gia tăng hơn, kỳ vọng vào cuối 2023, có nhiều sự kiện sẽ kích thích cầu của thế giới tăng lên”, Thứ trưởng nói, đồng thời khẳng định, trong lúc thuận lợi vẫn có khó khăn. Và kể cả trong lúc rất khó khăn chúng ta vẫn có thể tìm ra những cơ hội.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu, TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cũng cho rằng, cơ hội lớn nhất từ những khó khăn nhất, chứ không phải cơ hội thông thường.

“Sức mạnh lớn nhất bắt nguồn từ những cái mình dễ tổn thương nhất. Mình cảm thấy mình yếu nhất thì tạo ra sức mạnh mạnh nhất. Đấy là những điểm mình cần lưu ý”, TS. Vũ Minh Khương chia sẻ.

Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, có những diễn biến rất khó lường, tác động từ bên ngoài, ảnh hưởng đến Việt Nam. Do đó, chúng ta cần luôn phải bám sát và không được chủ quan.

Một thách thức nữa, ĐBQH Phan Đức Hiếu chỉ ra là cải cách thể chế. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã và đang nỗ lực rất nhiều trong việc cải cách thể chế. Tuy vậy, theo đại biểu, cần phải cải cách thể chế một cách phù hợp, bởi nếu như cải cách không phù hợp, đặt ra một điều kiện, yêu cầu quá cao khiến cho doanh nghiệp không thể thực hiện, đáp ứng được thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và không đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc ADB tại Việt Nam nêu quan điểm, còn nhiều điểm có thể được cải thiện hơn nữa, đơn cử như đầu tư công còn nhiều dư địa. Việc thực thi chính sách tài khóa tuy đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây nhưng vẫn có thể được đẩy mạnh hơn nữa để tăng cường cầu trong nước và kích thích các hoạt động kinh tế.

Nhận định Việt Nam cũng rất thành công trong chiến lược phát triển kinh tế những năm gần đây, song ông Shantanu Chakraborty cho rằng có thể chú trọng hơn nữa vào phát triển kinh tế tư nhân, khu vực đóng vai trò then chốt của nền kinh tế. Theo đó, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân; huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu…/.

 
Vy Anh
174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1240
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1241
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87226062