“Mô hình xanh” nơi biên giới 

Thành công bước đầu trong việc thực hiện dự án “Một triệu cây xanh” ở khu vực biên giới huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã mở ra phương án chống sạt lở bờ sông và giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Giờ đây, ở vùng biên giới thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Thanh (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) quản lý, mầu xanh của bạt ngàn cây cối đang phủ lên những bờ sông xói lở, những trảng đồi vàng cháy...

Trung tá Nguyễn Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) cho biết: Đồn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 31,192km đường biên giới trên sông Sê Pôn, tiếp giáp với nước bạn Lào. Sau những trận mưa lũ dội về xã biên giới nghèo đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, đồng bào Vân Kiều phải hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Mỗi trận lũ đi qua nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, hoa màu của người dân bị cuốn trôi, mất trắng. Có những gia đình bố mẹ bị dòng lũ cuốn trôi, để lại những đứa con thơ dại, nhà cửa ruộng vườn chỉ còn lại bãi đất trống, ngổn ngang bùn lầy. Chính điều đó đã thôi thúc ý tưởng phải bằng mọi cách hình thành một đường biên giới xanh của Đồn trưởng Khôi trên bờ sông Sê Pôn. Trung tá Khôi nghĩ, chỉ có trồng cây mới vừa ngăn được lũ, vừa mang lại mầu xanh phủ đất trống, đồi trọc. Nhưng nguồn vốn ở đâu, trồng loại cây gì vừa mang lại giá trị kinh tế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vừa ngăn chặn được mưa lũ là bài toán Trung tá Khôi phải trăn trở.

Đang băn khoăn, Trung tá Khôi được chị Hoàng Phương Vy (ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa) kết nối anh với Câu lạc bộ Hoa tình nguyện VY’S TEAM (ở tỉnh Hải Dương). Câu lạc bộ đã hỗ trợ một triệu cây keo giống để người dân trồng dọc theo bờ sông biên giới Sê Pôn. Dự án “Một triệu cây xanh” được triển khai tại hai xã Thanh và Xy của huyện Hướng Hóa, thuộc địa bàn đơn vị quản lý.

 

Dự án “Một triệu cây xanh” bước đầu gặp thuận lợi khi được cấp ủy, chính quyền xã Thanh và xã Xy rất đồng thuận. Nhưng vận động chuyển đổi cây trồng cho đồng bào Vân Kiều trong hai xã lại là quá trình khá gian nan. Vì trước đây, bà con chỉ quen trồng cây nông nghiệp ngắn ngày như sắn, chuối… lợi nhuận thấp. Trung tá Khôi đã triển khai các tổ, đội công tác xuống địa bàn khảo sát, nắm tình hình, tuyên truyền, vận động và đồng hành. Người dân đã nhanh chóng hưởng ứng, tham gia trồng cây keo ven bờ sông. Theo tính toán của anh, mỗi 1ha keo trưởng thành có thể bán được 70-100 triệu đồng cũng là một động lực không nhỏ.

Keo trồng 4-5 năm đã có thể cho thu hoạch. Sau khi chặt cây, gốc sẽ nảy mầm cây thứ cấp và cho thu hoạch sau ba năm phát triển. Cứ như vậy, khoảng ba mùa mới phải trồng loạt cây mới.

Ngoài dự án “Một triệu cây xanh”, Trung tá Khôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đang thử nghiệm dự án trồng cà gai leo hỗ trợ người dân vùng biên giới. Đã có 25 hộ gia đình ở xã Thanh và xã Lìa tham gia dự án, với tổng diện tích cây trồng khoảng 20ha. Qua một thời gian, cây cà gai leo đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với những cây trồng ngắn ngày. Từ những kết quả thu được, thời gian tới, các đơn vị sẽ nghiên cứu và mạnh dạn đưa thêm cây chè vằng vào trồng thử nghiệm.

 

https://nhandan.vn/mo-hinh-xanh-noi-bien-gioi-post733781.html

158 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1015
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1015
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222985