Các nhà lãnh đạo, nhà khoa học nước ta, cũng như không ít chính khách, nhà văn hóa nước ngoài đã dùng những từ tốt đẹp nhất để tôn vinh Người: “Tổng Bí thư Lê Duẩn một tầm cao trí tuệ, suốt đời say mê tìm tòi chân lý”(1); “Lê Duẩn là nhân vật mang tầm vóc lịch sử hiện đại”(2); “Thiên tài cách mạng Lê Duẩn” (3) “Đó là một danh nhân và không riêng của nước Việt”; “Đồng chí Lê Duẩn luôn nhìn thấy những gì mà nhiều người chưa thấy”(4). Còn đồng chí Võ Văn Kiệt nguyên Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng “một sự đầu tư đặc biệt” khi đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ và Bộ Chính trị phân công chỉ đạo miền Nam. Còn nhiều nhiều nữa những lời hay ý đẹp nhưng tựu trung là: Đồng chí Lê Duẩn là một nhân vật lớn, một trí tuệ lớn của dân tộc và Nhân dân ta trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh, xin được ghi lại một vài câu chuyện, một vài việc làm thể hiện sự gần gũi đồng bào, đồng chí, với tình thương yêu tha thiết và chân thành đối với mọi người của Tổng Bí thư Lê Duẩn như nén tâm hương thành kính và cũng là bài học sâu sắc để mỗi một chúng ta nguyện noi theo.
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ nevơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Một số anh em, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Còn nhân dân miền Nam lại chuẩn bị đón “việc tập kết” của kẻ thù. Trên đường đi từ Việt Bắc vào Nam Bộ, thấy bà con miền Trung vẫy tay chào đón vì có hòa bình, đồng chí khóc hết nước mắt mà nghĩ rằng, mai đây bà con đâu được vui như thế này. Rồi đây, đồng bào ở lại sẽ phải khổ không chỉ hai năm mà có thể phải 20 năm. Điều tiên đoán này của đồng chí đã trở thành sự thật.
Trong suốt 21 năm, với cuồng vọng nghiền nát lực lượng cách mạng ở miền Nam và đẩy lùi miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá, đế quốc Mỹ đã tung vào nước ta một đội quân viễn chinh hơn 60 vạn tên gồm quân Mỹ và quân của 5 nước chư hầu làm nòng cốt cho hơn một triệu quân ngụy. Riêng về quân Mỹ, có lúc chúng huy động cao nhất tới 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược. Nếu tính cả số quân đóng ở nước ngoài tham chiến ở Việt Nam thì chúng đã sử dụng hơn 80 vạn quân Mỹ và trong suốt cuộc chiến tranh đã động viên tới 6 triệu lượt binh sỹ Mỹ, ném xuống đất nước Việt Nam tới 7 triệu 850 nghìn tấn bom và tiêu tốn hơn 352 tỉ đô-la(5). Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, đồng chí Lê Duẩn khẳng định “Đây là thắng lợi của toàn dân tộc Việt Nam”, đằng sau câu nói sâu sắc của Tổng Bí thư là cả một tấm lòng với đồng bào, đồng chí.
Theo GS,TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương : “Ở đồng chí Lê Duẩn có sự kết hợp hài hòa phẩm chất của nhà lãnh đạo tầm lãnh đạo luôn hy sinh phấn đấu, mưu cầu lợi ích cao cả cho đất nước, dân tộc tấm lòng nhân ái, đôn hậu dành cho mọi người. tình thương yêu, đùm bọc, chia sẻ ngọt bùi, cùng chung gian khổ với đồng chí, đồng bào những năm tháng trong nhà tù đế quốc, trên chiến trường gian khổ; sự trăn trở lo cho dân, từ mớ rau, bộ quần áo mặc và quan tâm thiết thực đến đời sống từng người giúp việc, bảo vệ thời điểm đất nước còn gieo neo…khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng là ứng xử văn hóa trước sau như một của đồng chí Lê Duẩn. Ứng xử thủy chung, thấm đượm tính nhân văn đó chỉ có được ở những nhân cách văn hóa lớn ”.
Đối với cán bộ làm công tác tư tưởng, đồng chí căn dặn phải hết sức coi trọng bồi dưỡng tình cảm cách mạng. Theo đồng chí "Người cách mạng phaỉ có tình cảm", bởi "Công tác tư tưởng không chỉ nắm lý luận không thôi, mà phải biết gắn tình cảm với lý luận". Đồng chí thường khuyên chúng ta "Con người không chỉ sống với miếng cơm manh áo, mà còn có đời sống tình cảm; đời sống văn hoá, những cái đó gắn liền với dân tộc". Cho nên, đồng chí thường nhắc trong công tác tư tưởng phải kết hợp giáo dục đường lối chính sách với bồi dưỡng tình cảm cách mạng. Bởi" Người cán bộ nhìn một bà cụ già ăn xin, mặc áo rách và một em bé ăn mặc cũng rách rưới mà không thấy đau lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy "đã cạn" đi rồi đấy".
Bên nỗi lo chung, đồng chí Lê Duẩn luôn dành tình cảm ưu ái cho Quảng Trị, thường xuyên nhớ và theo dõi sát sao phong trào cách mạng quê nhà, đau đáu một nỗi niềm sâu nặng nghĩa tình “Đối với tất cả chúng ta quê hương biết bao tình sâu nghĩa nặng, riêng tôi ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay như thế nào”. Ngày 23-3-1976, sau gần 40 năm xa quê, trở về thăm nơi chôn nhau cắt rốn, vui mừng trong nước mắt, đồng chí hỏi: “Dân quê mình có đói ăn không? Tôi nhớ trước đây đến giêng hai là đói lắm, khoai sắn cũng không đủ ăn. Bây giò trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người. Lần về thăm làng Bích La năm 1983, đồng chí nói: “Lần này tôi về mừng nhất là làng ta có nước và không đói nữa. Có nước rồi, hạnh phúc có rồi, dân ta cần cù nhất định sẽ giàu có”. Tháng 3-1985, lần cuối cùng đồng chí Lê Duẩn về thăm quê. Như linh cảm mình sắp đi xa, đồng chí đã căn dặn rất nhiều, gửi gắm nhiều điều tâm huyết với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, động viên, nhắc nhở mọi người phải phát huy hơn nữa đức tính cần cù, dũng cảm; phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa “biết yêu thương nhau, phải sống nhẹ nhàng êm ái với nhau, gia đình yêu thương nhau, cả xã hội, cả làng, cả huyện đều thương yêu nhau. Chúng ta sống với nhau có tình nghĩa anh em, giúp đỡ lẫn nhau. Bất cứ người nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải. Như vậy, một con người phải có ba cái: lao động, tình thương và lẽ phải”.
Đã hơn 36 năm, Tổng Bí thư Lê Duẩn về với Bác Hồ nhưng hình ảnh đồng chí vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Quảng Trị. Nhớ lời căn dặn, noi gương đồng chí Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị bằng những hành động cụ thể quyết tâm, “Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước; năm 2030 thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước”. Trí Ánh
___________________
(1) Theo Hoàng Tùng –Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam (NXB CTQG-ST HN 2013
(2), (3) Theo Trần Bạch Đằng (SĐD)
(4) Viện Mác- Lênin (SĐD)
(5) Phúc Nguyên- Đại thắng mùa xuân-Động lực và niềm tin.