“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài” 

(Baothanhhoa.vn) - Tháng 7 của tri ân và hàm ơn, của hồi ức và hoài niệm. Nương theo sự thôi thúc của nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần hăng hái của những đoàn cựu binh chiến trường Quảng Trị, Đoàn Thanh niên Báo Thanh Hóa chúng tôi cũng hăm hở trở về vùng đất một thời bão lửa.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

(Ảnh: Lê Hợi)

Về Quảng Trị ví như trở về với ngọn nguồn của mất mát và sự hàn gắn; của hiện thực và cõi thiêng; của đau thương tỏa xuống và khát vọng vươn lên. Về để chiêm nghiệm câu nói của tiền nhân, rằng lịch sử không bao giờ được viết mà không yêu thương hoặc căm hận!

Bình minh Thành cổ. Nắng vàng và cỏ xanh như hai nốt bổng - trầm, quấn quýt trên bản nhạc, được ngón tay tạo hóa lướt nhẹ trên khung đàn nền trời, rồi hòa lẫn vào khói hương và tiếng chuông lảnh nhẹ. Mỗi bước chân đặt trên Thành cổ đã yên tiếng súng và cỏ đã xanh màu sự sống, có cảm giác bình yên mà nôn nao đến lạ. Bởi, ai đã một lần qua Thành cổ, lại chưa từng lắng lòng để nghe tiếng cỏ thì thầm, như tiếng ai đó gọi nhau giữa hai đầu trận đánh; như tiếng giọt nước mắt rơi vội vã trên mình đồng đội, giữa khoảng trống sau mỗi loạt đạn bom. Tiếng thì thầm như lời tâm sự, vọng về từ một miền xa thẳm của tâm linh, của tiềm thức, để nhắc nhớ hậu thế về một Thành cổ chưa bao giờ yên tĩnh.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Báo Thanh Hoá và Báo Quảng Trị đặt vòng hoa, dâng hương tại thành cổ Quảng Trị

Đoàn chúng tôi đến Thành cổ, để được “thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”, cũng là để sống lại với cỏ những đau thương từ quá khứ và để thấy may mắn biết bao khi được sống trong hòa bình. Quảng Trị và Thành cổ, với mỗi người dân đất Việt, đã trở thành một biểu tượng của tinh thần chiến đấu và chiến thắng. Để rồi, khi nhắc nhớ đến địa danh này, những tính từ giàu sức biểu cảm nhất như ác liệt, tàn khốc, gian khổ, đổ nát, thiếu thốn, hi sinh…, có lẽ, cũng chưa đủ để lột tả hết cái hiện thực khắc nghiệt của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nhưng rồi, nhắc đến trận giằng co, giành giật không khoan nhượng, không ngơi nghỉ suốt 81 ngày đêm dưới chân Thành cổ, sẽ thật là thiếu sót nếu không gắn địa danh với những ngôn từ mang âm hưởng ngợi ca. Đó là kỳ tích và sự phi thường, là tinh thần quả cảm và khí thế hào hùng, là ý chí kiên cường và sức mạnh quật khởi!

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Báo Thanh Hoá và Báo Quảng Trị đặt vòng hoa, dâng hương tại thành cổ Quảng Trị

Có lẽ, lịch sử chiến tranh chưa được nghe nhiều, thậm chí chưa từng biết đến câu chuyện nào vừa khó tin, vừa ly kỳ như huyền thoại 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Để phá hủy mục tiêu rộng vẻn vẹn 2.160 mét vuông, Mỹ - Ngụy đã huy động một lực lượng đông đảo, cùng khối lượng bom đạn khổng lồ. Thị xã Quảng Trị mà tâm của nó là Thành cổ, trở thành điểm phá hủy và thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt của đế quốc Mỹ, với 328.000 tấn bom các loại đã trút xuống. Thậm chí, có thời điểm, trung bình mỗi ngày, 7.000 tấn bom và 100.000 quả đại bác đã dội vào thị xã nhỏ bé. Đã có con số so sánh được đưa ra, rằng số bom đạn Mỹ ném xuống thị xã Quảng Trị tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Hứng chừng ấy bom đạn, mọi sự sống trong Thành cổ tưởng chừng đã bị xóa sạch. Thế nhưng, cuộc đối đầu giữa mặt đất và bầu trời vẫn không dừng lại. Và trong lòng Thành cổ, nơi những bức tường không còn nguyên vẹn và trên mỗi tấc đất đã bị bom đạn cày xới vô số lần, nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường vẫn diễn ra. Tất cả như một lời thách thức quyết liệt với sự điên cuồng, tàn bạo của kẻ thù.

Một tờ báo của Mỹ đã phải thốt lên rằng, kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt Nam vẫn xông lên dưới mưa bom bão đạn? Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ. Song, cũng xin mượn lời một học giả người Mỹ từng viết về chiến tranh Việt Nam, thì Mỹ đã có một “trải nghiệm đẫm máu tại Việt Nam”, nhưng điều đó chỉ được nhận ra sau 30 năm. Và rằng, nhịp độ cuộc chiến và khả năng kiểm soát cuộc chiến không được quyết định bởi sự vượt trội về kỹ thuật của Mỹ, mà bởi chính đối phương của họ. Không hề có một điểm dao động, một sự đổ vỡ nào trong ý chí tiếp tục cuộc chiến tới cùng của đối phương!

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Người ta đã đặt ra nhiều câu hỏi và loay hoay tìm câu trả lời cho kỳ tích. Nhưng suy cho cùng, chẳng có phép nhiệm màu nào làm nên chiến thắng. Chỉ có máu xương hàng vạn chiến sĩ và đồng bào ta đổ xuống và nhuộm đỏ đất đai Thành cổ, mới là câu trả lời chân xác nhất. Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, xứng đáng là một chương độc lập, trong cuốn biên niên sử chiến tranh Việt Nam thế kỷ XX. Đó là khúc anh hùng ca - vừa bi tráng vừa hào sảng - của tinh thần quyết tử và quyết thắng, cất lên từ trái tim triệu triệu con người Việt Nam yêu nước. Đó là di sản vật chất - tinh thần vô giá, mà cha ông ta đã lấy máu xương mình khắc nên hình hài. Để rồi, “tượng đài chiến thắng Thành cổ” cũng chính là hồn thiêng núi sông tạc thành.

Hẳn ít có nơi nào như mảnh đất hình chữ S này, mà đi suốt dặm dài từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy nghĩa trang liệt sĩ và tượng đài Tổ quốc ghi công. Với mỗi người được sinh ra dưới mái nhà Tổ quốc, đó là một sự hiển nhiên như khi ta biết đến ca dao từ thuở còn trong nôi. Và, mảnh đất Quảng Trị, nơi nằm lại của hàng vạn liệt sĩ, cũng là nơi có số lượng nhiều kỷ lục: 72 nghĩa trang. Dẫu rằng, chẳng ai muốn kéo cái “kỷ lục” ấy về mình. Quảng Trị trong những ngày của tri ân và hàm ơn, cùng với Thành cổ và dòng sông Thạch Hãn – nơi nằm lại của những “anh hùng thứ nhất” vô danh - 72 nghĩa trang trải khắp 4.746 km vuông đất, đều đồng loạt cất lên khúc nhạc trầm hùng, như vỗ về linh hồn tử sĩ.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nơi đoàn chúng tôi đến. Vẫn bỏng rát nắng, trang trọng và linh thiêng. Cả nghĩa trang hơn 1 vạn nấm mộ, trông như một “thư viện linh hồn” mênh mông nép dưới tán rừng. Ở đó, mỗi ngôi mộ là một pho tiểu thuyết đời người, mà chương kết đã nằm mãi ở độ tuổi đôi mươi. Vạt đồi nơi những liệt sĩ xứ Thanh yên nghỉ, hàng trăm thẻ hương được đoàn chúng tôi thắp lên. Những sợi khói vấn vít nương vào gió để lan ra, như không muốn quên nấm mộ nào. Được đánh giá là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ và giàu tính biểu tượng bậc nhất. Nghĩa trang Trường Sơn gợi sự liên tưởng đến đường Trường Sơn - con đường huyền thoại và là nơi bắt đầu của vô số huyền thoại.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Dài hơn 17.000 km đường xe cơ giới, xấp xỉ nửa vòng trái đất, con đường ấy được người Mỹ ví như “một trận đồ bát quái ở trong rừng”, hay “một trong những thành tựu về công binh lớn nhất thế kỷ XX”. Đây có lẽ cũng là con đường duy nhất trên thế giới, được mở và giữ bằng cuốc xẻng thô sơ và bằng ý chí thép, tinh thần thép, nghị lực thép của hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong. Trên con đường, hàng triệu bàn chân đã hằn xuống và hàng nghìn người mãi mãi nằm lại. Để rồi, từ mọi nẻo đường, các anh các chị trở về nơi yên nghỉ vĩnh hằng. Nghĩa trang Trường Sơn luôn có sự lặng lẽ và yên tĩnh đến lạ. Đó ví như dòng tưởng niệm được chạm lên không gian, để tri ân những con người từng lặng lẽ sống, lặng lẽ chiến đấu và lặng lẽ hi sinh, để làm nên sự bất tử của con đường.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Nếu đến nghĩa trang Trường Sơn, người ta thường rủ rỉ cho nhau câu chuyện huyền bí về sự tồn tại và sinh trưởng đặc biệt của gốc Bồ Đề 40 năm tuổi, tán ôm trọn tượng đài Tổ quốc ghi công; thì ở nghĩa trang Đường 9, nhiều người sẽ ấn tượng với đàn bồ câu trắng hàng nghìn con vô cùng thân thiện. Nếu Bồ Đề là loài cây tượng trưng cho sự giác ngộ và bảo vệ; thì bồ câu trắng là loài chim biểu tượng cho hòa bình. Nếu một cái gốc của sự giác ngộ là vị tha; thì một nền tảng nâng đỡ cho hòa bình là tinh thần bác ái. Việt Nam là đất nước của những cuộc chiến giành, giữ nền độc lập. Song, Việt Nam cũng sẵn sàng khép lại quá khứ, bằng sự vị tha và tinh thần bác ái. Để rồi, sự vị tha và bác ái được khởi nguồn từ những nơi ghi đậm dấu ấn và tội ác chiến tranh, mới là sự vị tha và bác ái đến tận cùng!

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Khi ta đứng - mặt trời ngang vai. Đó là dáng đứng của những người chiến thắng. Thế nhưng “chiến tranh không phải trò đùa” và nói như Ts. Aitmatôp thì không thể nói về chiến tranh một cách giản dị, không thể từ đó tạo nên một chuyện cổ tích đưa ta vào giấc ngủ. Chiến tranh đọng lại thành máu vón cục trong cùng thẳm tâm linh và kể chuyện về nó không phải là dễ dàng.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Đoàn Thanh niên Báo Thanh Hoá thăm, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng người có côngvà bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị

Trong hành trình về nguồn, chúng tôi may mắn được gặp mệ Thảo. Mệ là thương binh ¾, nay đã bước sang tuổi 90. Mệ kể, mệ quê Gio An, huyện Gio Linh – một tuyến lửa của đất lửa Quảng Trị. Mệ tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, nhiều lần bị địch bắt và tra tấn, nhưng mệ nhất quyết không khai.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Hòa bình rồi, mệ vẫn sống một mình, không chồng con. Cách đây vài tháng, khi sức khỏe ngày càng yếu, mệ được chuyển về Trung tâm điều dưỡng thương binh và bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Trị. Mệ cười nhiều khi chúng tôi hỏi chuyện. Tôi chẳng dám cắt nghĩa nụ cười ấy. Chỉ mong rằng, đó là nụ cười xuất phát từ niềm vui sống tuổi xế chiều. Bởi, mệ cũng như lớp lớp người thế hệ trước, đã “đem tuổi xuân ném vào trận đánh” và đã xác định hành trình đời người là “đi về phía có tiếng súng”. Chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một vạt cỏ xanh, nên họ đã sống mỗi ngày như là ngày cuối. Họ là những gương mặt “bình thường như lẽ phải”, đã đi về mấy lần qua cửa tử, nên cái vòng tròn cuộc đời được đón nhận như một lẽ hiển nhiên.

“Hồn thiêng sông núi tạc nên tượng đài”

Nếu Tổ quốc nhìn từ những máu xương mất mát, thì cái nhìn ấy sẽ đẳng đẳng cả ngàn đời. Nhưng nếu “nỗi đau là phía khác của niềm vui”, thì xin được nhìn Tổ quốc ở phía của hàn gắn và đồng cảm, của yêu thương và lạc quan, tin tưởng. Bởi, bóng tối không thể xua tan bóng tối, nên thế gian cần ánh sáng; hận thù không làm biến mất hận thù, nên con người cần tình yêu thương. Và nếu “chỉ máu là xoay vần bánh xe lịch sử”, thì hãy để cho những trầm tích của trái tim, được lắng từ những tháng năm máu chảy, sẽ viết tiếp trang sử ngợi ca cuộc sống mới, trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng.

Ghi Chép Của Lê Dung

 

806 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 850
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 850
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87170112