Phát biểu tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trầm cảm hiện đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở nước ta đã từng bước được quan tâm. Tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do đó, hiện nay, hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ. Đồng thời, đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông để người dân có nhận thức đúng về trầm cảm; cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời; biết cách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm. Học sinh và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ cao bị rối loạn trầm cảm vì vậy nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các em.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, có các quy định, hướng dẫn cụ thể để xây dựng trường học nâng cao sức khỏe, giúp các em thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, được trang bị kỹ năng sống, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời quản lý sức khỏe, phát hiện sớm những trường hợp nguy cơ để tư vấn, giúp đỡ kịp thời và phối hợp với cơ sở y tế và gia đình để chăm sóc sức khỏe cho các em.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính có khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.
Bộ Y tế khuyến cáo: Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Để dự phòng bệnh trầm cảm, bạn hãy trò chuyện với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm, hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Mọi người hãy tích cực tập luyện thể dục thể thao, làm việc; đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện. Khi cần trợ giúp chuyên môn, mọi người hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe...
Hưởng ứng Ngày sức khỏe Thế giới (7/4), học sinh Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm đã đồng diễn, thể dục xếp hình; nhận phiếu tự đánh giá sức khỏe học sinh và tờ rơi hướng dẫn phòng chống trầm cảm.
TS. Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (VSKTT), Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số trong quãng đời người có rối loạn tâm thần trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, VSKTT khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Đáng chú ý, mỗi năm số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại VSKTT năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. |
Đỗ Thoa