Do đặc thù văn hóa truyền thống, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là những người am hiểu tình hình địa phương, tâm tư của người dân, phong tục tập quán nơi mình đang sinh sống và được bà con tôn trọng, lắng nghe. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; là “hạt nhân” có vai trò kết nối, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bám sát đặc điểm trên, những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã thường xuyên phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) triển khai nhiều chương trình, mô hình hoạt động nhằm tôn vinh và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc vùng biên giới. Theo đó, hàng năm, các cơ quan, đơn vị BĐBP đã phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức nhiều lớp phổ biến về các hiệp định, quy định về biên giới, lịch sử đường biên, mốc quốc giới cho người có uy tín; giúp họ nắm chắc về đường biên, hệ thống mốc quốc giới, cũng như hiểu rõ chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Trên cơ sở đó, người có uy tín đã chủ động vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng tộc, thôn bản tham gia lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và lên đường làm nghĩa vụ quân sự; tích cực vận động bà con sống ở khu vực biên giới tham gia tự quản đường biên, mốc giới; tố giác tội phạm để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đồng thời, người có uy tín tích cực vận động gia đình, dòng họ, người dân trong cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ dần những hủ tục, mê tín dị đoan trái với thuần phong mỹ tục; cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.
Người có uy tín ở huyện Mường Nhé (Điện Biên) cùng BĐBP tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới
(Ảnh: PA)
Bên cạnh đó, những năm qua, để phát huy vai trò của người có uy tín, MTTQ Việt Nam đã tăng cường vận động người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào Ủy ban MTTQ các cấp, Ban chấp hành các tổ chức chính trị xã hội các cấp; đồng thời, giới thiệu những người có uy tín tiêu biểu tham gia vào HĐND các cấp. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, MTTQ các cấp đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều người uy tín trở thành đảng viên và lực lượng nòng cốt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cùng với người có uy tín đã vận động nhân dân không nghe theo luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của kẻ xấu, tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, vận động, giáo dục những người lầm lỗi, bài trừ tệ nạn xã hội; tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự... Ở các cấp, MTTQ Việt Nam và BĐBP đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của thôn, làng, góp phần xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với sự tham gia của người có uy tín, nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng tại nhiều địa phương như “Gia đình không có người vi phạm pháp luật, không có người phạm tội, không có người tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy”, khu dân cư “An toàn, lành mạnh”, “Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp”, “Gia đình không có người thân phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, “Điểm sáng vùng biên”… tạo nên thế trận biên phòng ngày càng vững chắc.
Theo đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trên cả nước hiện có gần 4 nghìn người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp; lực lượng BĐBP và tinh thần trách nhiệm của bản thân người có uy tín, tại nhiều khu vực biên giới, người có uy tín đã luôn là lực lượng đồng hành gắn bó cùng BĐBP trong phong trào “Toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.
Lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP tặng quà lưu niệm
cho các đại biểu người có uy tín 10 tỉnh biên giới tuyến Việt Nam-Campuchia (Nguồn: bienphong.com.vn)
Tuy nhiên, phần lớn người có uy tín ở khu vực biên giới hiện nay là người lớn tuổi, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ người có uy tín trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương cần có những hoạt động giúp đỡ người có uy tín về phương pháp phát triển kinh tế, giúp đỡ họ vươn lên ổn định cuộc sống. Khi họ đã ổn định cuộc sống thì chính họ là những tấm gương cho người dân trong cộng đồng noi theo. Do vậy, thiết nghĩ việc giúp đỡ người có uy tín phát triển kinh tế cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua hệ thống các cơ chế, chính sách về vốn, giống, kiến thức, kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, phương pháp làm ăn... Các địa phương cần mở những lớp tập huấn; tạo điều kiện cho người có uy tín đi tham quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả...
Được biết, thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên truyền, phổ biến những quy định mới, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước tới người có uy tín để họ tiếp nhận một cách đầy đủ nhất, hiểu một cách sâu sắc nhất. Từ đó, với vai trò “hạt nhân”, người có uy tín sẽ tuyên truyền để đồng bào khu vực vùng biên hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, tổ chức nhiều hình thức để tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, động viên đối với người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư.
Có thể thấy, vượt lên những khó khăn của khu vực biên giới, hàng nghìn người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước đã thực sự là những “hạt nhân” đoàn kết các tầng lớp nhân dân, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ vững chắc đường biên giới, mốc quốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự ổn định, phát triển của khu vực biên giới nói riêng và cả nước nói chung; cùng hướng đến mục tiêu vì một nước Việt Nam hòa bình, phát triển, phồn vinh./.
Phan Anh