‘Trạm y tế-một điểm dừng’: Người bệnh không phải lên tuyến trên để xét nghiệm 

(Chinhphu.vn) - TPHCM sẽ triển khai thí điểm mô hình "Trạm y tế-một điểm dừng" và với mô hình này, người dân khi đến khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại trạm y tế không còn phải lên bệnh viện (BV) quận, huyện để làm xét nghiệm hoặc lĩnh thuốc như trước đây.
Với mô hình "Trạm y tế-một điểm dừng", người dân khi đến KCB ban đầu tại trạm y tế không còn phải lên BV quận, huyện để làm xét nghiệm hoặc lĩnh thuốc như trước đây. Ảnh minh họa
Sở Y tế TPHCM cho biết, một thách thức lớn đối ngành y tế Thành phố chính là nâng cao năng lực và tạo niềm tin cho người dân đến KCB ban đầu tại trạm y tế.

Trong thời gian qua, ngành y tế TPHCM đã triển khai 2 mô hình thí điểm mới và bước đầu phát huy hiệu quả, đó là phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận đặt tại trạm y tế (quận Thủ Đức và quận Tân Phú) và phòng khám đa khoa xã hội hoá đặt tại trạm y tế (Quận 3).

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã xây dựng và phát hành tài liệu “Phác đồ điều trị dành cho trạm y tế” với đầy đủ bệnh lý thường gặp; tổ chức khoá huấn luyện cho tất cả bác sĩ của 319 trạm y tế cách sử dụng phác đồ này.

Sở cũng tham mưu cho UBND Thành phố sử dụng quỹ kết dư của BHYT trong năm 2016 ưu tiên đầu tư bổ sung những trang thiết bị cần thiết trong hoạt động KCB tại các trạm y tế.

Mặc dù đã cố gắng đầu tư cả nhân lực và vật lực cho trạm y tế, nhưng Sở Y tế TPHCM cũng thừa nhận, trong 6 tháng đầu năm 2017, trong khi số lượt KCB ngoại trú của các BV Thành phố giảm gần 2%, thì số lượt KCB tại các BV tuyến huyện tăng đến 2,5%, và số lượt KCB tại trạm y tế tiếp tục giảm so với cùng kỳ.

Theo Sở Y tế TPHCM, một trong những nguyên nhân khiến cho người dân chưa thật sự an tâm khi đến KCB ban đầu tại trạm y tế là thiếu bác sĩ và người bệnh phải đi lên BV quận, huyện để lĩnh thuốc hoặc làm thêm xét nghiệm.

Nhận thấy những bất cập đó, Sở Y tế TPHCM đã đưa ra mục tiêu phấn đấu làm thế nào hạn chế thấp nhất tình trạng để người bệnh sau khi KCB tại trạm y tế lại phải lên BV quận, huyện để lĩnh thuốc hoặc làm xét nghiệm. Mô hình “Trạm y tế-một điểm dừng” chính là lời giải cho bài toán nói trên.

Với mô hình này, người dân khi đến KCB ban đầu tại trạm y tế không còn phải lên BV quận, huyện để làm xét nghiệm hoặc lĩnh thuốc như trước đây. Cùng với đó, việc sáp nhập BV quận, huyện và trung tâm y tế dự phòng thành trung tâm y tế quận, huyện cũng sẽ giúp giải quyết khó khăn lớn nhất của trạm y tế, đó là nhân lực bác sĩ, vì khi đó sự điều động luân phiên bác sĩ của trung tâm y tế xuống trạm y tế sẽ thuận lợi hơn, và Thành phố quyết tâm đạt ít nhất 2 bác sĩ cho mỗi trạm y tế.

Hiện nay Sở Y tế TPHCM đang cùng các BV quận, huyện xây dựng và sẽ thí điểm triển khai mô hình “Trạm y tế-một điểm dừng” tại tất cả các trạm y tế thuộc quận Thủ Đức và một số quận khác trong thời gian tới. Sau thời gian thí điểm rút kinh nghiệm và khi BV quận, huyện và trung tâm y tế dự phòng được sáp nhập thành trung tâm y tế, mô hình này sẽ được nhân rộng trên tất cả các trạm y tế tại TPHCM.

Chi Mai

585 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117745