‘Thành tích đặc biệt’ trong năm bận rộn nhất của Chính phủ 

(Chinhphu.vn) – Năm 2020, năm bận rộn nhất của Chính phủ trong nhiều năm qua, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng toàn cầu và tác động của COVID-19 lên nền kinh tế nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc trước đây, Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, đạt mục tiêu kép, với những kết quả và thành tích đặc biệt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngày 28/12/2020. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Năm 2020, hai từ Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất với những ngợi ca và mỹ từ đẹp nhất trên truyền thông quốc tế từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và thắng lợi mùa xuân năm 1975, khi chúng ta khống chế thành công đại dịch COVID-19, bảo đảm cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân.

Năm 2020 sẽ còn được nhắc tới như một trong những năm biến động nhất trong lịch sử thế giới. Điều đó càng đúng với trường hợp Việt Nam, khi ngoài đại dịch COVID-19, chúng ta còn phải đối đầu với hàng loạt những biến động bất thường khác. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2020 là năm thiên tai dị thường, với nhiều thách thức lịch sử.

“Không có năm nào đêm Giao thừa mưa rào ở Đồng bằng sông Hồng, mùng 1 Tết mưa đá ở 7 tỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã mở đầu như vậy trong bài tham luận tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020. Sau đó, ông nhắc tới những thiên tai dồn dập trong suốt năm: Nửa đầu năm hạn ở Bắc, Trung, Nam; hạn mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long hơn cả năm 2016; về cuối năm, từ tháng 9 đến giữa tháng 11, bão chồng bão, lũ chồng lũ ở các tỉnh miền Trung với lượng mưa lịch sử.

Và cũng như các nước khác, Việt Nam còn đối mặt với “ cơn sóng thần” COVID-19 quét qua khắp hành tinh và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Nhìn lại những đánh giá cách đây 5 năm, không ai dự báo được kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái nghiêm trọng như hiện nay.

Mặt khác, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo… tác động sâu rộng đến các quốc gia trên nhiều phương diện, mở ra không gian rộng lớn chưa từng có cho sự phát triển của các quốc gia, các doanh nghiệp và mỗi cá nhân, nhưng cũng đi cùng những thách thức mới cần xử lý.

Trong bối cảnh thế giới đang trải qua “giai đoạn của những điều khó ngờ”, cùng với cả hệ thống chính trị, Chính phủ - cơ quan cao nhất chỉ đạo, điều hành kinh tế xã hội – đã trải qua một năm bận rộn nhất trong nhiều năm.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo đảm đời sống nhân dân.

Cơ sở dữ liệu của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cho thấy năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2.207 văn bản chỉ đạo, điều hành, so với 1.781 văn bản của năm trước đó. Trong đó, riêng công tác phòng chống dịch COVID-19, chỉ tính đến cuối tháng 10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 07 chỉ thị, 35 công điện và kết luận chỉ đạo.

Một vài con số khác cũng cho thấy phần nào lịch trình làm việc và ra quyết sách dày đặc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Tính đến cuối tháng 12/2020, lãnh đạo Chính phủ đã chủ trì 832 cuộc họp, 43 chuyến công tác địa phương, 188 cuộc tiếp khách trong và ngoài nước. Trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh, số lượng các cuộc họp, hội nghị trực tuyến năm 2020 cao gấp 3 lần năm 2019.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép. Đúng như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được tuyệt đại đa số các ý kiến cả trong và ngoài nước đồng thuận: Mặc dù không hoàn thành được một số chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng với Việt Nam, năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng.

Những “kết quả đặc biệt” này thể hiện trên nhiều mặt khác nhau, nhưng các nhận định sau đây cho thấy một khía cạnh rất đáng chú ý.

Trong báo cáo mới đây, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, cú sốc COVID-19 lên nền kinh tế nặng nề hơn rất nhiều so với các cú sốc từ cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hai cú sốc năm 1997 và 2008 đã kéo tăng trưởng GDP của Việt Nam về mức thấp nhất là 4,77% năm 1999 và 5,40% năm 2009, nhưng tốc độ này vẫn còn cao hơn so với năm 2020 (2,91%).

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nếu nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong vòng 30 năm qua, năm 2020 là lần đầu tiên Việt Nam chịu tác động tiêu cực của bất ổn/khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô. Những lần trước đó, hoặc chúng ta bị trục trặc vĩ mô từ trước, hoặc sau đó bị tác động dẫn đến nhiều bất ổn về kinh tế.

Cũng năm 2020, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong ASEAN về quy mô GDP với 343 tỷ USD và theo đánh giá của IMF, nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế Việt Nam đã vượt 1.000 tỷ USD. Và những ngày gần đây, hàng loạt báo cáo từ các cơ quan trong, ngoài nước đã phân tích những cơ hội cùng thách thức của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tới.

Về phía cơ hội, hàng loạt yếu tố được nhắc đến như nền tảng từ thành công “độc nhất vô nhị” trong kiểm soát COVID-19 và duy trì tăng trưởng dương trong năm qua; niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được củng cố; cơ hội tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các FTA thế hệ mới và làn sóng FDI mới… Về thách thức, vẫn còn đó nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng, các điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt…

Trải qua một năm thách thức nhất và đặc biệt nhất, dù còn đó những khó khăn, nhưng chúng ta đã giữ vững tay chèo, tiếp tục đưa đất nước tiến về phía trước, gia cố những nền tảng và quan trọng hơn, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho năm 2021 và 5 năm tiếp theo…

Hà Chính

281 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1409
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1409
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87168516