Mới đây, Chính phủ đã yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) theo nguyên tắc thị trường của OECD, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện và phải báo cáo Chính phủ trước tháng 12/2017.
OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu.
|
TS Vũ Thành Tự Anh: Các tiêu chuẩn OECD sẽ như một thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp Việt Nam chặt đứt các ĐKKD vô lí. |
Theo TS Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, các tiêu chuẩn OECD là những nguyên tắc chỉ dẫn nâng cao chất lượng và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng tại một số quốc gia tiên tiến. Các tiêu chuẩn OECD sẽ như một thanh “thượng phương bảo kiếm” giúp Việt Nam chặt đứt các ĐKKD vô lí, gây hại đến môi trường kinh doanh.
“Ở Việt Nam hiện tại có rất nhiều các ĐKKD bảo vệ lợi ích của bộ ngành, tạo ra gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp (DN), khiến DN khó khăn trong việc gia nhập thị trường… Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa có một bộ nguyên tắc để áp dụng xem ĐKKD nào nên bỏ, ĐKKD nào không nên cắt.
Trong trường hợp này các tiêu chuẩn OECD như một công cụ giúp Việt Nam xử lí các giấy phép con, các ĐKKD không cần thiết. Nếu sử dụng chuẩn OECD một cách nghiêm ngặt, tôi cho rằng chúng ta có thể cắt giảm được đến 2/3 số ĐKKD hiện tại”, TS Vũ Thành Tự Anh nói trên tờ báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
“Trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng OECD là một việc làm cần thiết giúp Việt Nam nhanh chóng loại bỏ các ĐKKD không cần thiết. Không sớm thì muộn thì Việt Nam cũng phải dùng những tiêu chuẩn, những chỉ dẫn nâng cao chất lượng tiên tiến để áp dụng vào quá trình cắt bỏ. Việc áp dụng luôn tiêu chuẩn OECD sẽ như một cách để tạo ra tiền lệ và thông lệ tốt trong việc cắt giảm các ĐKKD”, vị chuyên gia nói tiếp.
GS Nguyễn Đức Khương, Học viện Kinh tế IPAG (Pháp) - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng việc tham khảo các tiêu chí của OECD là cần thiết.
OECD có thể giúp Việt Nam tiếp thu những “bí quyết thành công” của nhiều nước để thúc đẩy sự minh bạch và phát triển. Cần một chiến lược cải cách dài hạn và đồng bộ ở tất cả bộ, ngành để đảm bảo hiệu quả.
Để làm được điều này cần một nhóm công tác đặc biệt, trong đó có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các hiệp hội, nhóm DN quan trọng trong nền kinh tế. Một quy trình rà soát, đánh giá, học hỏi… nghiêm túc sẽ giúp đưa ra những đề xuất cải cách cụ thể.
“Theo tôi biết, OECD cũng đề xuất một tài liệu hướng dẫn cách thức vượt qua các rào cản để xây dựng một chiến lược đơn giản hóa thủ tục hành chính”, GS Vũ Đức Khương cho biết. Chiến lược này hướng đến loại trừ 22 nhóm rào cản đến từ sự phức tạp của các chính sách điều tiết, tệ quan liêu giấy tờ (quá nhiều văn bản giấy tờ, thủ tục, điều kiện và nguy cơ chồng chéo của các văn bản này); các chi phí liên quan đến thực hiện thủ tục như chi phí xin các loại giấy phép, điền bảng biểu, báo cáo theo quy định,...
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), loại bỏ “giấy phép con” là cuộc chiến đầy gian khổ đòi hỏi các cơ quan thực sự quyết tâm.
“Nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy sự quyết tâm đến từ các cơ quan. Trong các rà soát, khảo sát, tôi không thấy có thành phần từ các Bộ, ngành tham gia, hay như trong các hội thảo, tôi chưa nhìn thấy sự tham gia tích cực của Bộ, ngành”, ông Huỳnh nhận định trên tờ Diễn đàn DN.
Điển hình là các rà soát, khảo sát về các ĐKKD trong thời gian qua vẫn đơn thuần chỉ là các “rà soát tự thân” của các viện nghiên cứu, các tổ chức nghiên cứu như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
“Cuộc đấu tranh với các điều kiện kinh doanh phải là cuộc đấu tranh từ nhiều phía như: Nhà nước, DN, hiệp hội và người tiêu dùng… Nếu một trong các phía liên quan chỉ quan tâm đến câu chuyện lợi ích của chính mình thì cuộc đấu tranh này sẽ vẫn mãi là cuộc đấu tranh dai dẳng và kéo dài...”, ông Huỳnh nói.
Hà Chính