Tại đây, công nhân đã bày tỏ với Thủ tướng rằng, hiện tại người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ các nhà trọ kinh doanh phòng trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê.
Thủ tướng khẳng định việc những ông chủ nhà trọ yêu cầu công nhân trả tiền điện, nước cao hơn quy định là trái pháp luật. Đồng thời, yêu cầu ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải đáp việc này.
Đúng như phản ánh của công nhân, để đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu nhất là điện, mỗi tháng, nhiều người lao động phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn trong quỹ thu nhập của họ một cách khá vô lý. Họ đang bị các chủ nhà móc túi lấy đi một phần trong thu nhập vốn không dư dả.
Thành lệ, mỗi năm vào mùa nắng nóng, chuyện tiền điện cho người thuê nhà cũng nóng lên từng ngày. Cũng đã nhiều năm qua, bất thành văn, chủ nhà là người quy định giá điện cho người thuê. Dù mỗi phòng đều lắp một công tơ điện riêng, nhưng công tơ đó chỉ để ghi số điện và thanh toán nội bộ giữa chủ nhà và người thuê. Với công ty điện lực, chủ nhà có công tơ tổng và thanh toán riêng. Tại những khu vực có đông người thuê nhà như khu công nghiệp, quanh các trường đại học, khu đô thị lớn, giá điện cho người thuê nhà có thể luôn ở mức cao dao động từ 4.000 đến 5.000/kw.
Người thuê nhà, tuyệt đại đa số là sinh viên và lao động từ quê lên phố và một lượng rất lớn công nhân các khu công nghiệp. Trong khoảng 10 năm gần đây số lượng công nhân tăng lên không ngừng cùng với việc ra đời những khu công nghiệp mới.
Nhìn một cách tổng thể, công nhân thuê nhà luôn là người yếu thế. Phần đông số họ là những người không được đào tạo ở trình độ cao, chủ yếu vẫn là những lao động đơn giản và vì thế đồng lương eo hẹp. Xa nhà, họ phải thuê những phòng trọ chật hẹp, xây theo dãy. Thiết bị điện của họ thường cũng chỉ đơn giản là vài bóng điện sáng, vài chiếc quạt, nếu “xa xỉ” hơn là chiếc vô tuyến và một tủ lạnh nhỏ giữ thực phẩm khi gia đình công nhân có con nhỏ. Nhưng chỉ những vật dụng thiết yếu ấy cũng có thể khiến họ mỗi tháng tốn vài trăm ngàn đến cả triệu tiền điện với cách tính giá của chủ nhà. So với mặt bằng chung xã hội, công nhân ở trọ chính là những người sử dụng ít điện nhất nhưng đang phải trả tiền điện với giá cao nhất.
Xét trên bình diện toàn bộ nền kinh tế, công nhân cũng là lực lượng lao động đang có đóng góp nhiều cho xã hội nhưng lại được thụ hưởng rất ít thành quả lao động. Một nền kinh tế muốn phát triển không thể không dựa trên một lực lượng lao động năng suất hiệu quả. Điều đó đồng nghĩa với lực lượng công nhân, người lao động, cần phải có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống hiện tại, và một phần rất quan trọng là có thể tích lũy. Họ cũng phải có cơ hội để nâng cao tay nghề trình độ, để tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ mới. Nhưng điều này sẽ là không thể, nếu họ luôn thua thiệt, luôn bị chèn ép và móc túi một cách vô lý.
Sau cuộc đối thoại, các ngành đã lên tiếng về chuyện giá điện cho người thuê nhà. Tập đoàn Điện lực cho biết đã có Thông tư của Bộ Công thương về cách tính giá điện bán lẻ cho chủ nhà trọ cũng như người thuê nhà, cùng với đó là bảng giá chi tiết về giá điện cho các đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt. Các văn bản, quy định cũng đã được hoàn thiện ban hành từ trước năm 2014. Tuy nhiên, trong thực tế, công nhân, người thuê nhà nói chung hàng tháng vẫn phải trả tiền điện với giá cao gấp nhiều lần giá nhà nước quy định.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, EVN đã yêu cầu các Công ty Điện lực phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn việc thực hiện giá bán điện của các chủ nhà trọ. Thực hiện niêm yết công khai biểu giá bán điện tại các khu nhà cho thuê, tại các điểm tập trung dân cư, nơi tiếp dân của UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các ban điều hành khu phố, tổ dân phố, các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Các công ty điện lực cũng được giao thường xuyên phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước, Sở Công Thương giám sát việc đảm bảo cho người thuê nhà được hưởng giá bán lẻ điện sinh hoạt đúng quy định; lập kế hoạch, thực hiện kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà để ở trên địa bàn quản lý để hạn chế trường hợp chủ nhà trọ lợi dụng chính sách giá để thu lợi. Chủ động phối hợp với địa phương nhằm quản lý rà soát, thống nhất số liệu về số lượng nhà trọ, số lượng phòng, số lượng người thuê để kịp thời báo cáo cho tổng Công ty và UBND tỉnh, thành phố.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hy vọng, mùa hè năm nay tiền điện sẽ bớt “nóng” với người công nhân...
Quang Lê