Ảnh minh họa (Nguồn: Vietnamplus.vn)
Anh Nguyễn Văn Thái, một tài xế chạy ứng dụng cả Grab và Uber cho biết, các tài xế tập hợp để biểu tình phản đối nhằm gửi thông điệp rằng "Grab, Uber không thể đơn phương muốn tăng chiết khấu là tăng."
Trong ngày hôm nay (15/1), rất đông tài xế Grabbike và Grabcar, Uber đã tập trung về phía trước trụ sở của các đơn vị này tại Hà Nội, gây tắc nghẽn kéo dài tuyến đường. Các tài xế phản ứng đòi giảm chiết khấu về mốc ban đầu là 15%.
Theo quy định của Uber từ trong năm 2017, ngoài phần chiết khấu 25%, tài xế còn phải đóng thêm 4,5% thuế thu nhập cá nhân Uber thu để đóng hộ. Do đó, tài xế tập trung phản đối, yêu cầu Uber đưa chiết khấu về 15%.
Nhiều lái xe Grab và Uber cho biết, so với những ngày đầu khi hai ứng dụng này mới vào Việt Nam, thu nhập, quyền lợi của tài xế đã giảm sút rất nhiều.
Anh Nguyễn Văn Thái, tài xế chạy ứng dụng cả Grab và Uber cho biết, nếu chạy đều mỗi ngày được xấp xỉ 700.000 đồng tới 1 triệu đồng. Sau khi trừ chiết khấu, xăng dầu, điện thoại cộng thêm các cuốc được thưởng... trước đây thu nhập hàng tháng khoảng 15-18 triệu đồng. Nhưng bây giờ, khi chiết khấu tăng lên sẽ chỉ còn khoảng hơn chục triệu mỗi tháng.
“Trừ khoản tiền vay ngân hàng mua xe mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng thì chả còn là bao. Chưa kể, lệnh cấm xe hợp đồng trên 11 tuyến phố của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khiến tài xế phải chạy vòng thêm quãng đường xa hơn, xe tiêu tốn nhiên liệu và thời gian chạy,” anh Thái chia sẻ.
Ngoài ra, trong sáng nay (15/1), hơn 100 xe taxi công nghệ tổ chức tuần hành trên một số tuyến phố nhằm thể hiện phản ứng về việc Hà Nội cấm đường đối với taxi công nghệ và việc Grab tăng thu.
Ông Nguyễn Tuyển, Phó phòng Quản lý Vận tải (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, mục đích của lái xe công nghệ tuần hành để họ đề nghị giảm chiết khấu.
Theo ông Tuyển, khi bị hạn chế lưu thông trên một số đường, khách hàng đã bị giảm đi đáng kể. Trong khi đó, vào giờ cao điểm, tỷ lệ khách hàng của họ sẽ cao hơn. Mục đích của các lái xe này là đề nghị Uber, Grab giảm tỷ lệ chiết khấu.
“Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài Chính để tính toán xem mức chiết khấu như nào là phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho lái xe, những người lao động. Đối với hành vi tự ý tụ tập diễu hành, gây mất trật tự an toàn giao thông là bị nghiêm cấm, Sở sẽ yêu cầu Thanh tra vào cuộc để xử lý,” ông Tuyển khẳng định.
Trước đó, từ ngày 1/1, Grab đã tăng mức chiết khấu từ 20% lên 23,6%. Liên tiếp sau đó, nhiều tài xế Grabbike tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi tắt ứng dụng (app), không chạy xe để phản đối. Sau đó, Grab đã giảm mức chiết khấu về 20% bắt đầu từ 10 giờ ngày 13/1./.
Theo Vietnamplus.vn