‘Dồn sức’ phát triển du lịch năm 2021 

(Chinhphu.vn) - Thời điểm cuối năm, ngành du lịch các địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đồng bộ để thu hút khách trở lại vào năm 2021.

 

 

Fansipan (Lào Cai). Ảnh VGP/Nhật Thy

Năm 2020, tổng lượng khách đến Lào Cai ước đạt 2,2 triệu lượt khách (giảm 57,9% so với cùng kỳ 2019, đạt 86% kế hoạch năm điều chỉnh). Trong đó, khách quốc tế đạt 100.840 lượt khách (giảm 87,5% so với cùng kỳ 2019); khách nội địa đạt trên 2 triệu lượt (giảm 52% so với cùng kỳ 2019). Tổng thu du lịch đạt 6.370 tỷ (giảm 66,8% so với cùng kỳ).

 

Để phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn như: Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn cho các địa phương, các cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tăng cường việc chỉnh trang, củng cố cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực tại chỗ trong điều kiện các hoạt động dịch vụ chững lại do dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã đưa ra các gói kích cầu (“Mùa hè Sa Pa 2020”, Chương trình Famtrip và toạ đàm “Kích cầu du lịch Tây Bắc”) với chi phí phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến, cung cấp các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn.

 

Theo mục tiêu phấn đấu năm 2021, Lào Cai phấn đấu đạt 5 triệu lượt khách trong đó lượt khách quốc tế đạt 400.000 lượt, khách nội địa đạt 4,6 triệu; doanh thu dự kiến 16.008 tỷ đồng trong đó doanh thu từ khách quốc tế đạt 2.760 tỷ, từ khách nội địa đạt 13.248 tỷ.

 

Tại Thanh Hóa, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tổng số khách du lịch đến với tỉnh năm 2020 chỉ đạt 65,5% kế hoạch, trong đó khách du lịch quốc tế giảm mạnh, chỉ đạt 35.550 lượt khách, giảm 88,2% so với năm 201, đạt 8,9% kế hoạch. Tổng thu du lịch đạt 10.394 tỷ đồng, giảm 28,4% so với năm 2019, đạt 50,7% kế hoạch.

 

Căn cứ tình hình thực tế, ngành du lịch Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp kích cầu du lịch trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm an toàn cho du khách khi các khu, điểm du lịch hoạt động trở lại. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức.

 

Năm 2021, Thanh Hóa phấn đấu đón khoảng 11,9 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt 22.858 tỷ đồng.

 

Để đạt được mục tiêu này Thanh Hóa tập trung xây dựng Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch, đảm bảo phát triển du lịch an toàn, thích ứng với tình hình mới, sớm phục hồi ngành du lịch, đảm bảo đạt được cao nhất các chỉ tiêu về du lịch trong năm 2021.

 

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về du lịch, đặc biệt truyền thông trên mạng xã hội; tích cực tổ chức và tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch; tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch.

 

Huy động tối đa nguồn lực từ các địa phương và doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa, có khả năng cạnh tranh cao…

 

Năm 2020 cũng là năm khó khăn với ngành du lịch Thủ đô khi lượng khách đến Hà Nội ước đạt 8,65 triệu lượt khách, bằng 30% so với năm 2019, trong đó khách quốc tế ước đạt 1,11 triệu lượt khách, bằng 15,8% so với năm 2019.

 

Trên cơ sở các dự báo và đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi và phát triển, đặt ra mục tiêu phấn đấu cao nhất cho năm 2021. Cụ thể, Hà Nội sẽ đón tổng lượng khách từ 13,16 triệu đến 19,04 triệu lượt khách, tăng từ 45-65,5% so với năm 2019. Trong đó, khách nội địa đạt từ 10,96 triệu đến 15,34 triệu lượt, tăng từ 50-70% so với năm 2019. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú du lịch năm 2021 đạt từ 45-50%.

 

Ngành du lịch thời kỳ COVID-19 đã mở ra những xu hướng mới, chính vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp du lịch đã chủ động, sáng tạo xây dựng những hướng đi mới, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Trọng tâm là du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, lễ hội, làng nghề; du lịch nông nghiệp, sinh thái; du lịch học đường; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn với sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại…

 

Năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu về chương trình hợp tác quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình CNN năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phối hợp với các hãng hàng không, truyền thông trong nước, quốc tế, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đón các đoàn khảo sát quốc tế, thu hút các thị trường khách du lịch vào Hà Nội. Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội tăng cường xây dựng, quản lý môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện văn minh để Hà Nội thực sự là điểm đến hấp dẫn.

 

Tại Quảng Ninh, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến tỉnh năm 2021 ước đạt 10 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 20.000 tỷ đồng.

 

Để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó tập trung vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng; tận dụng các kênh truyền thông và xây dựng chiến lược truyền thông bài bản; tận dụng tối đa lợi thế của Liên minh kích cầu du lịch giữa các doanh nghiệp và ngành du lịch. Cùng với đó, đảm bảo, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường du lịch lành mạnh.

 

Ngoài ra, ngành du lịch địa phương cũng sẽ xây dựng Bộ tiêu chí về các cơ sở du lịch an toàn. Đồng thời, cùng các địa phương xây dựng chuỗi sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch để thực hiện nhằm kích cầu du lịch; tăng cường liên kết tiểu vùng du lịch giữa các địa phương để xác định một số chuỗi sản phẩm ăn, nghỉ, vui chơi giải trí phù hợp điều kiện thực tế.

 

Mới đây nhất, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Gói kích cầu du lịch trong năm 2021 ước tính trị giá khoảng 500 tỷ đồng, tiếp tục tập trung vào thị trường khách nội địa với kỳ vọng tạo "cú hích" phục hồi ngành du lịch và giải quyết việc làm cho người lao động địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp có thêm động lực để triển khai các chương trình giảm giá, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ.

 

Tại Khánh Hòa, việc kích cầu du lịch hiện nay, chủ yếu thu hút khách du lịch nội địa đến với Nha Trang-Khánh Hòa. Tuy nhiên thị trường khách nội địa đang có sự cạnh tranh rất cao, đòi hỏi chất lượng dịch vụ, giá thành, các điểm tham quan phải có chất lượng tốt và phù hợp.

 

Để làm được điều này, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần chung tay triển khai, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, sự kiện, sản phẩm, dịch vụ kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Nha Trang - Khánh Hòa trong năm 2021; cam kết đảm bảo chất lượng, giá cả dịch vụ sản phẩm, an toàn cho du khách.

 

Dự kiến trong năm 2021, ngành du lịch Khánh Hòa sẽ triển khai một số hoạt động kích cầu như tổ chức “Ngày hội kích cầu du lịch Khánh Hòa” tại TP. Hà Nội; Triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch Khánh Hòa, cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ du lịch, các chương trình, gói kích cầu du lịch của tỉnh tại một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Ninh Bình…

NT

624 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1241
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1241
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87149784