Mùa xuân về trên khắp vùng đất đỏ ba-dan, nhiều gia đình phụ nữ nghèo nơi biên giới của tỉnh Gia Lai năm nay có thêm một niềm vui, được sống trong những “Mái ấm tình thương” khang trang, sạch đẹp; cuộc sống đã phần nào bớt khó khăn với những phương tiện sinh kế được trao tặng từ chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”… Bao năm qua, gia đình chị Puih Pră ở làng Breng, xã Ia Chía, huyện Ia Grai vẫn sống trong căn nhà tạm, cũ nát. Mùa mưa đến, chị lại chật vật gia cố, che chắn lại ngôi nhà nhưng cũng chỉ tránh được phần nào gió, bão. Chị luôn mơ ước có một ngôi nhà chắc chắn để gia đình ổn định cuộc sống. Tháng 8-2018, từ chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chị được hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng với sự góp công, góp sức của chính quyền địa phương và hội viên phụ nữ, bà con láng giềng, gia đình chị đã xây dựng được căn nhà cấp 4 khang trang. Chị Puih Pră xúc động nói: “Bao năm qua, gia đình tôi mơ ước xây được ngôi nhà kiên cố cho các con ở và học tập một cách an toàn. Ðược Hội Phụ nữ giúp đỡ, giấc mơ đã trở thành hiện thực, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy các con, ổn định cuộc sống”.
Không chỉ có gia đình chị Puih Pră, năm 2018, với chương trình “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại địa bàn ba huyện biên giới của tỉnh Gia Lai gồm Chư Prông, Ia Grai, Ðức Cơ, đã có rất nhiều hộ gia đình phụ nữ nghèo được hỗ trợ xây Mái ấm tình thương, tặng phương tiện sinh kế (bò và dê), hỗ trợ xây nhà vệ sinh, được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống gia đình. Chương trình bước đầu mang lại những kết quả tích cực, sẻ chia một phần khó khăn với phụ nữ vùng biên. Ðời sống của nhiều gia đình hội viên phụ nữ nghèo nơi đây từng bước được cải thiện; các hoạt động dần tạo sự gắn kết giữa các đơn vị, giữa hội viên phụ nữ với tổ chức Hội.
Tại xã vùng biên giới A Ngo, huyện Ða Krông (Quảng Trị), Hội LHPN Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cấp, ngành trong tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình Xuân đoàn kết, Tết biên cương. Nhiều hoạt động đã được tổ chức, từ việc góp phần chăm lo thiết thực đời sống của nhân dân như trao tặng các công trình dân sinh, trao tặng Mái ấm tình thương, tặng học bổng cho học sinh, tặng quà cho gia đình chính sách, cho phụ nữ nghèo cho đến những hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; đặc biệt, các hoạt động tạo tính bền vững được chú trọng như đầu tư mô hình sinh kế, hướng dẫn cách làm ăn, kết nối tiêu thụ sản phẩm, trao tặng tủ sách… Chị Hồ Thị Bát ở xã A Ngo (huyện Ða Krông) chia sẻ: Nhờ có mái ấm tình thương của Hội LHPN Việt Nam và lực lượng Bộ đội Biên phòng, gia đình đã có ngôi nhà mới. Từ giờ, chúng tôi mới yên tâm làm ăn, nuôi các con ăn học và cùng chính quyền địa phương bám đất, bám làng, giữ gìn biên cương của Tổ quốc.
Ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, các cấp hội phụ nữ đã trực tiếp khảo sát những khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ tại các xã vùng biên. Trên cơ sở đó, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn và tổ chức đa dạng các hoạt động hỗ trợ theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương. Theo đó, trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân tại địa phương; tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài; xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế; hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, con giống, vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… Ðồng thời, Hội LHPN các tỉnh ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ hội cơ sở, truyền thông nâng cao kiến thức và kỹ năng về những vấn đề thiết yếu của cuộc sống và được đông đảo hội viên, phụ nữ quan tâm như: Di cư lao động an toàn, tham gia bảo vệ đường biên mốc giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống mua bán người, ma túy, bạo lực gia đình, tiếp cận kỹ thuật sản xuất, kinh doanh...
Qua hơn một năm triển khai chương trình, có 110 xã nhận được sự hỗ trợ xuất phát từ chính nhu cầu của phụ nữ biên giới như mô hình sản xuất, mái ấm tình thương, công trình phúc lợi, tập huấn nâng cao kiến thức… Với sự nỗ lực của các cấp hội, cùng với sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, ủng hộ, tính đến cuối tháng 10-2018, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được hơn 37 tỷ đồng. Ðồng thời, thông qua hình thức vận động nguồn lực bằng nhắn tin ủng hộ chương trình, đã có hơn 71.200 tin nhắn với tổng số tiền thu được là hơn 1,42 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, “Ðồng hành cùng phụ nữ biên cương” là chương trình có ý nghĩa, giàu tính nhân văn và tính thiết thực đối với phụ nữ vùng biên giới. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân, phụ nữ vùng biên giới vẫn còn khó khăn; nhiều vấn đề đang tồn tại như: Ðói nghèo, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tảo hôn. Ðể góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, cần tiếp tục có sự chung sức, chung lòng của cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống và phát huy vai trò của phụ nữ vùng biên trong công tác bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.