Trong bối cảnh khi số người mắc COVID-19 trên thế giới liên tục tăng với nhiều con số rất đáng báo động thì những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên bắt đầu đưa vào các quy trình tiêm phòng đã mang lại hy vọng và niềm vui to lớn cho toàn cầu trong nỗ lực nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.
Chỉ không lâu sau khi bắt đầu, hoạt động sản xuất, vận chuyển và phân phối vaccine COVID-19 đã diễn ra vô cùng sôi động, thậm chí có lúc còn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Đáng chú ý, gần đây, những diễn biến xung quanh việc phân phối vaccine COVID-19 tại châu Âu đã “làm nóng” dư luận, đồng thời dấy lên lo ngại về tình hình vaccine cũng như việc phân phối công bằng và hợp lý giữa các nước. Tại một châu lục vốn luôn luôn tự hào về nền văn minh và bình đẳng lại châm ngòi một cuộc chiến về vaccine!
|
Vaccine đem đến hy vọng cho cộng đồng quốc tế trong việc ngăn ngừa đại dịch COVID-19.
(Ảnh: lapress.ca) |
Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch tiêm phòng từ rất sớm. Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng 450 triệu người dân EU. Song hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU lại có dấu hiệu rơi vào tình trạng hỗn loạn do việc thiếu hụt nguồn cung vaccine. Thậm chí, Tây Ban Nha từng trở thành nước đầu tiên trong EU tạm dừng việc tiêm chủng 2 tuần vì nguyên nhân rất “đơn giản” này.
Cùng thời điểm đó, EU lại tiếp tục vướng phải cuộc tranh cãi xoay quanh việc hãng dược AstraZeneca của Anh vi phạm thỏa thuận ký với khối này. Hồi tháng 1/2021, AstraZeneca đã thông báo chỉ có thể giao được cho EU 31 triệu liều vaccine trong quý I năm nay, thay vì 80 triệu liều như cam kết ban đầu, do trục trặc trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, phía EU thắc mắc khối này chưa nhận được bất cứ liều vaccine nào do AstraZeneca sản xuất tại 2 nhà máy của hãng đặt tại Anh, dù phía EU đã xuất khẩu 10 triệu liều vaccine sản xuất tại EU sang Anh trong 6 tuần trước đó.
Và khi EU gặp nhiều vấn đề trong việc triển khai tiêm chủng, và theo WHO, tính đến hết tháng 3 mới chỉ có khoảng 10% dân số thuộc các nước thuộc EU được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; thì Anh, nước đã rời khỏi EU, lại thành công với gần 50% số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Chính vì vậy, không hề bất ngờ trước thái độ tức giận của EU khi cho rằng AstraZeneca đang dần hoàn tất quá trình giao vaccine cho Anh và “làm ngơ" EU. EU thậm chí đã tiến hành kiểm tra nhà máy của AstraZeneca tại Brussels (Bỉ) để bảo đảm rằng lời giải thích cho sự chậm trễ là thỏa đáng.
“Cuộc chiến” giữa Anh và Liên minh châu Âu xoay quanh việc "bên nào được hưởng lợi nhiều hơn trong việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19?", vì vậy, càng trở nên căng thẳng khi Anh đã nhập khẩu hàng triệu liều vaccine từ các nhà máy đặt tại các nước trong EU. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc các nước ưu tiên lợi ích quốc gia mình trong việc tiếp cận và phân phối vaccine ngừa COVID-19 chính là biểu hiện của "chủ nghĩa dân tộc vaccine”.
Sau đó, EU tuyên bố sẽ siết chặt các quy định về xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19. Theo cơ chế mới, các nước có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 trong dân cao hoặc có các chính sách hạn chế xuất khẩu vaccine COVID-19 thông qua luật hoặc qua hợp đồng với các hãng cung cấp, sẽ bị cấm nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19 sản xuất tại châu Âu. Đây là biện pháp được xem là nhằm trực tiếp vào Anh, buộc Thủ tướng Anh Boris Johnson phải lên tiếng cảnh báo rằng châu Âu sẽ là bên chịu thiệt nếu cấm xuất khẩu vaccine AstraZeneca sang Anh. Do lo ngại rằng động thái của EU sẽ dẫn tới sự hạn chế trong hoạt động xuất khẩu vaccine, quan chức phụ trách phát triển vaccine COVID-19 của Anh là Nadhim Zahawi đã cảnh báo về cái gọi là “ngõ cụt do chủ nghĩa dân tộc vaccine” gây ra. Động thái này của EU cũng được xem là “đòn dằn mặt” không chỉ đối với Anh mà còn đối với các hãng dược phẩm. Mặc dù sau đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu bà Ursula von der Leyen tuyên bố khẳng định EU sẽ không cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 mà việc "kiểm soát nguồn vaccine" chỉ là kế hoạch tạm thời, nhưng tại thời điểm này cũng chưa khiến cho dư luận quốc tế bớt “dậy sóng”.
Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, bất cứ một quốc gia đơn lẻ nào áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hay có những rào cản xuất khẩu cũng đủ cản trở tiến trình sản xuất, vận chuyển và phân phối vaccine. Không những thế, châu Âu lại là một khu vực có trình độ và khả năng điều phối, sản xuất vaccine rất cao của thế giới. Chưa kể tới việc EU áp dụng những rào cản đối với xuất khẩu vaccine cũng có thể tạo ra hiệu ứng tương tự đối với các nước khác, dẫn đến chuỗi cũng ứng bị gián đoạn, làm sụt giảm nguồn cung vaccine toàn cầu, và khi đó, hậu quả chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi châu lục.
Thực tế không khó khi nhận thấy nhiều quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Canada,… trong thời gian gần đây đã thu mua tích trữ hàng triệu liều vaccine ngừa COVID-19 để dành tiêm phòng cho người dân trong nước; trong khi không ít quốc gia khác, nhất là các nước có thu nhập thấp và trung bình, vẫn phải chật vật tìm cách có những liều vaccine đầu tiên.
Theo dự báo của các nhà nghiên cứu quốc tế, trong những tháng tới, nhu cầu về vaccine có thể vượt quá nguồn cung. Vì vậy, giải pháp được xem là hiệu quả nhất vào thời điểm này chính là các nước phát triển chuyển giao công nghệ để tăng cường sản xuất tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, bảo đảm chuỗi cung cứng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu. “Chủ nghĩa dân tộc” hay “bảo hộ” vaccine rõ ràng không phải là cách thức “tự vệ” đem lại lợi ích chung trước các tác động tiêu cực của đại dịch, mà thay vào đó, cùng chia sẻ lợi ích, đoàn kết để chiến đấu với dịch bệnh mới là việc nên làm. Việc không chia sẻ vaccine có thể mang đến những lợi ích chính trị ngắn hạn nhưng sẽ khiến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch lâu hơn, ngành thương mại và du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Thêm vào đó, càng kéo dài thời gian càng có khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus ít nhạy cảm hơn với vaccine và dễ lây lan hơn, làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19.
Trong cuộc chiến chống lại con virus nhỏ bé lại đòi hỏi tấm lòng rộng lượng bao la của cả cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích và không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau như Mục tiêu Phát triển Bền vững mà đông đảo quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã cùng nhau thông qua./.