Yếu tố tác động tới thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương 

Báo cáo "Thương mại và Đầu tư châu Á-Thái Bình Dương 2019" cho biết số biện pháp phi thuế quan (NTM) hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 58% thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương.
Yếu tố tác động tới thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương

Theo báo cáo công bố ngày 14/10 của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương Liên hợp quốc (ESCAP) và Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong khi thuế quan áp dụng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã giảm 50% trong hai thập niên qua, số biện pháp phi thuế quan (NTM), các quy định chính sách ngoài thuế quan ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, đã tăng đáng kể.

Dẫn báo cáo mới với tiêu đề "Thương mại và Đầu tư châu Á-Thái Bình Dương 2019" (APTIR), phóng viên TTXVN tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết NTM hiện đang ảnh hưởng đến khoảng 58% thương mại ở châu Á-Thái Bình Dương.

Một lý do cho sự gia tăng của NTM là sự phổ biến ngày càng tăng những “vũ khí” về chính sách thương mại trong các căng thẳng thương mại khu vực và toàn cầu.

Điều này có thể bao gồm các hạn chế mua sắm của chính phủ, trợ cấp xuất nhập khẩu cũng như cấm xuất nhập khẩu thông qua các lệnh trừng phạt đơn phương hoặc đa phương.

Để đáp ứng các quy tắc phức tạp và thường không rõ ràng này có thể tác động đáng kể đến các nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng NTM là công cụ chính sách vẫn có thể hợp pháp. Hầu hết các NTM là các quy định kỹ thuật, chẳng hạn như các yêu cầu về vệ sinh và kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm.

Chỉ riêng chi phí cho các biện pháp này đã lên tới 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khoảng 1.400 tỷ USD trên toàn cầu.

[Những rủi ro lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á]

Các biện pháp này có thể phục vụ các mục đích quan trọng như bảo vệ sức khỏe con người hoặc môi trường và thậm chí có thể thúc đẩy thương mại trong những điều kiện nhất định.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP Armida Alisjahbana nhận xét mặc dù chi phí thương mại liên quan đến NTM được ước tính cao hơn gấp đôi so với thuế quan, song NTM thường phục vụ các mục tiêu chính sách công quan trọng liên quan đến phát triển bền vững. Vì vậy điều quan trọng là đảm bảo chúng được đề ra và triển khai hiệu quả để giảm thiểu chi phí.

Tổng Thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi cho rằng để giải quyết chi phí thương mại trong khi vẫn duy trì lợi ích của NTM, các quốc gia cần tăng cường hợp tác hơn nữa ở tất cả các cấp.

Các sáng kiến khu vực nên được tích cực theo đuổi như các sáng kiến hài hòa NTM và các sáng kiến công nhận lẫn nhau trong các hiệp định thương mại khu vực.

NTM thường rất khác nhau giữa các quốc gia khiến các công ty khó di chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác.

Hợp tác pháp lý ở cấp khu vực và đa phương, việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế khi thiết kế hoặc cập nhật NTM là rất quan trọng trong việc vượt qua các thách thức liên quan đến tính không đồng nhất của các quy định.

Báo cáo cũng nhấn mạnh chi phí thương mại của NTM có thể giảm đáng kể bằng cách chuyển sang thương mại không cần giấy tờ và trao đổi thông tin điện tử xuyên biên giới.

Điều này có thể làm giảm chi phí trung bình 25% trong khu vực, tạo ra khoản tiết kiệm cho cả chính phủ và thương nhân hơn 600 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo APTIR được công bố hàng năm, phân tích các xu hướng khu vực và sự phát triển chính sách trong thương mại hàng hóa và dịch vụ thương mại, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài./.

 
Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)
479 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 661
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 661
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 89012155