Ý tưởng đưa khí đốt tự nhiên của Canada đến châu Âu đang 'nguội' dần 

Các rào cản về môi trường và quy định đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí là một trở ngại đối với hệ thống kho cảng LNG mới trên bờ biển Đại Tây Dương của Canada.
Ý tưởng đưa khí đốt tự nhiên của Canada đến châu Âu đang 'nguội' dần

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Canada trong tuần này với hy vọng đồng minh của Đức trong Nhóm 7 nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) sẽ đưa dòng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang Đức để thay thế khí đốt nhập khẩu của Nga.

Tuy nhiên, Canada - nhà sản xuất khí đốt lớn thứ 5 thế giới - không đưa ra cam kết chắc chắn về việc này.

Các rào cản về môi trường và quy định đối với việc xây dựng đường ống dẫn khí là một trở ngại đối với hệ thống kho cảng LNG mới trên bờ biển Đại Tây Dương của Canada, và sự ủng hộ của Chính phủ Canada cho ý tưởng này đang "nguội" dần.

Gần đây nhất, vào tháng 5/2022, Canada cho biết họ đang đàm phán với hai công ty để có thể đẩy nhanh các dự án LNG chở khí đốt đến châu Âu trong vòng một vài năm.

[Canada chuyển cho Đức 5 tuabin khí còn lại của Dòng chảy phương Bắc 1]

Tuy nhiên, chính phủ đảng Tự do của Thủ tướng Justin Trudeau hiện đang đặt câu hỏi công khai về việc liệu những dự án đó có thể sinh lời và hệ thống kho cảng đó có được xây dựng đủ nhanh để hỗ trợ giải quyết những khó khăn về nguồn cung dài hạn của châu Âu hay không.

Vài ngày trước chuyến công du Canada của Thủ tướng Scholz, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson nói rằng chính phủ Canada hiện nghĩ giải pháp tốt nhất là xuất khẩu nhiên liệu hydro, không phải là LNG.

Thủ tướng Trudeau đã củng cố thông điệp đó trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Scholz hôm 22/8, khi cho biết không có đề án kinh doanh vững chắc nào đối với các cảng LNG ở bờ biển phía Đông.

Đức muốn loại bỏ khí đốt của Nga vào năm 2024. Sẽ mất một khoảng thời gian dài để các cảng LNG mới của Canada đi vào hoạt động, phần lớn là do nhu cầu mở rộng công suất đường ống để đưa khí đốt từ bờ Tây Canada đến bờ biển phía Đông.

Việc xây dựng các đường ống mới ở Canada và Mỹ là không dễ dàng do vấp phải sự phản đối gay gắt về môi trường và các rào cản quy định. Các dự án đường ống dẫn dầu Energy East và Keystone XL đều bị hủy bỏ sau nhiều năm trì hoãn.

Cuộc chiến với biến đổi khí hậu là một khó khăn khác. Đức đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2045, vì vậy một số nhà phân tích cảnh báo các cảng LNG mới có thể trở thành tài sản "bị mắc kẹt". Ottawa cũng muốn đảm bảo bất kỳ dự án mới nào cũng phải phù hợp với mục tiêu của Canada là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Trudeau vẫn để ngỏ cánh cửa cho các dự án kho cảng LNG mới, khi cho biết chính phủ của ông sẵn sàng giảm bớt rào cản pháp lý cho bất kỳ dự án LNG mới nào nếu các công ty xác định dự án xứng đáng để triển khai.

Chống biến đổi khí hậu là nền tảng trong chiến dịch tranh cử của Thủ tướng Trudeau vào năm ngoái, nhưng quốc gia này đang nắm giữ trữ lượng nhiên liệu hóa thạch khổng lồ.

Liên quan đến các cuộc thảo luận về việc phát triển LNG ở bờ biển phía Đông, một số nguồn tin cho biết chính phủ Canada đang rất chia rẽ giữa việc tập trung vào quá trình khử carbon và hỗ trợ dự án nhiên liệu hóa thạch, và đó là vấn đề./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

 

164 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 749
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 749
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87064465