Trong đó, bất ổn an ninh đã khiến giá cả hàng hóa ở bang Aweil tăng cao. Theo ông David Shearer – người đứng đầu Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), nhiều gia đình đã phải di chuyển theo hướng bắc, tới nước láng giềng Sudan bởi họ không thể sản xuất hoa màu và cũng không có đủ khả năng để mua những thực phẩm chính trên thị trường.
Các cơ quan của Liên hợp quốc đang nỗ lực để cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở khu vực này – nơi mà Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, có tới 52% người dân phải đối mặt với nguồn thực phẩm không an toàn.
Thị trưởng bang Aweil – ông Ronald Ruay Deng cho biết, chính quyền địa phương đang làm mọi điều có thể để giúp người dân thoát khỏi sự phụ thuộc vào lương thực viện trợ khẩn cấp, hướng tới sự phục hồi của nông nghiệp nông thôn.
Trước bối cảnh an ninh lương thực đang ngày một xấu đi ở Nam Sudan, ngoài UNMISS, các cơ quan khác của Liên hợp quốc như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ngày 30/3 cũng bắt đầu đưa lương thực hỗ trợ tới người dân đói kém ở Nam Sudan thông qua hành lang nhân đạo mới được mở bởi Chính phủ Sudan trong đầu tuần này.
“Tuyến đường mới này sẽ cho phép WFP tiếp cận được với người dân bị ảnh hưởng bởi nạn đói ở Nam Sudan thông qua hỗ trợ lương thực và giúp tránh những hậu quả của nạn đói”, Đại diện WFP tại Sudan Matthew Hollingworth cho biết.
Nam Sudan đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của nạn đói. Vào ngày 20/2/2017, Chính phủ Nam Sudan và các cơ quan Liên hợp quốc đã tuyên bố, khoảng 100.000 người đang phải đối mặt với nạn đói ở hai quận là Leer và Mayiandit, trong khi người dân ở Koch và Panyijar cũng đang phải đối mặt với nguy cơ cao của nạn đói. Liên hợp quốc ước tính có khoảng 5,5 triệu người dân Nam Sudan không được tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn tính đến tháng 7 tới./.
Kiều Giang (theo UN, Sudan Tribune)