Các nguồn tin ngoại giao ngày 28/9 cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự kiến sẽ tổ chức những cuộc thảo luận khẩn cấp theo hình thức họp kín trong ngày 29/9 để bàn về vấn đề Nagorny-Karabakh, khu vực đang xảy ra tình trạng giao tranh dữ dội kể từ cuối tuần qua.
Theo các nguồn tin, Đức và Pháp là các quốc gia đã yêu cầu tổ chức cuộc họp trên, song các quốc gia châu Âu khác hiện giữ cương vị thành viên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - gồm Bỉ, Anh và Estonia, cũng ủng hộ động thái này.
Trước đó nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn.
Ngày 28/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết Iran đã tổ chức đối thoại với Azerbaijan và Armenia nhằm kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời đưa ra sáng kiến về các cuộc đối thoại song phương.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha Gonzalez đã bày tỏ quan ngại về xung đột leo thang trong hai ngày qua giữa Armenia và Azerbaijan, đồng thời kêu gọi hai bên ngừng bắn sau khi hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ác liệt tại Nagorny-Karabakh.
Cũng chung quan điểm này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi hai bên chấm dứt các cuộc xung đột.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov kêu gọi Armenia và Azerbaijan cần "kiềm chế tối đa" tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
[Cộng đồng quốc tế hối thúc chấm dứt xung đột tại Nagorno-Karabakh]
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo căng thẳng tại Nagorny-Karabakh có nguy cơ leo thang và gây hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của khu vực. EU kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt hành động thù địch, giảm căng thẳng và các cường quốc trong khu vực không nên can thiệp.
Giao tranh dữ dội giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh đã bùng phát. Hai bên cáo buộc lẫn nhau sử dụng pháo hạng nặng.
Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994./.
Lê Trung Kiên-Đào Lâm (TTXVN/Vietnam+)