Cuộc chiến kéo dài 2 tháng qua giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đang lan rộng trên quy mô cả nước.
Theo các nguồn tin, nhiều cuộc không kích và nã tên lửa phòng không đã diễn ra trong đêm 23/6 tại Omdurman và Khartoum, hai trong số ba thành phố tạo nên thủ đô mở rộng của Sudan.
Ngoài ra, trong những ngày gần đây, các cuộc đụng độ giữa hai bên cũng đã mở rộng ra các thành phố ở phía Tây thủ đô, tại khu vực Darfur và Kordofan.
Tại Al Fashir, thủ phủ của bang Bắc Darfur, một thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa hai phe ở Sudan đã đổ vỡ, dẫn tới các cuộc đụng độ ở các khu dân cư.
Ở El Obeid, thủ phủ của Bắc Kordofan và là trung tâm kết nối giao thông giữa Khartoum và Darfur, các tay súng RSF đã đụng độ với lực lượng cảnh sát dự bị có vũ trang. El Obeid là nơi RSF duy trì sự hiện diện đáng kể.
Ngoài ra, giao tranh ác liệt cũng đã xảy ra ở bang Tây Darfur, nơi các lực lượng dân quân được RSF hậu thuẫn đã san bằng nhiều khu vực của thành phố và buộc người dân phải di tản hàng loạt.
Thành phố El Geneina ở Tây Darfur là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với các cuộc tấn công liên tiếp.
Những diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh Mỹ đã thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán về xung đột ở Sudan, do định dạng hiện nay không mang lại thành công theo cách mà Washington mong muốn.
Trước đó, tối 20/6, khi thỏa thuận ngừng bắn chưa hết hiệu lực, hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại trụ sở của cơ quan tình báo ở thủ đô Khartoum.
Hai bên cáo buộc lẫn nhau tấn công trụ sở của cơ quan này, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới nhất.
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế cũng cho rằng "lệnh ngừng bắn đã không được tôn trọng" khi có nhiều tiếng súng nổ khiến cơ quan này phải hủy bỏ việc vận chuyển những người bị thương.
[Mỹ tạm ngừng tiến trình hòa đàm giải quyết cuộc xung đột ở Sudan]
Cùng ngày, Liên hợp quốc cảnh báo tình trạng tấn công nhằm vào các cơ sở y tế tại Sudan đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Farhan Haq, cho biết ước tính có gần 263.000 người đang mang thai trong số hơn 2,5 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh nở ở Sudan.
Ông nhấn mạnh hơn 87.000 phụ nữ trong số này sẽ sinh con trong 3 tháng tới và cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu.
Tuy nhiên, dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy hơn 67% số bệnh viện và cơ sở y tế tại các khu vực chiến sự đều phải đóng cửa, trong đó nhiều bệnh viện phụ sản đã ngừng hoạt động, khiến các sản phụ không được đảm bảo về chăm sóc y tế.
Theo thống kê, các cuộc giao tranh nổ ra ở Sudan kể từ giữa tháng 4 đến nay đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn.
Tình hình nhân đạo ở Sudan hiện rất nghiêm trọng khi toàn bộ các quận ở thủ đô Khartroum đã không còn nước sạch và chỉ có điện vài giờ trong tuần. Các cơ sở cứu trợ cũng thường xuyên bị cướp bóc./.
Xuân Phong (TTXVN/Vietnam+)