Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra tròn 1 năm 10 tháng song vẫn chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm," thậm chí ngày càng bế tắc và có nguy cơ trở thành cuộc chiến kéo dài, tiếp tục tác động xấu lên môi trường địa chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu.
Các bên liên quan chưa có dấu hiệu thỏa hiệp, vẫn tỏ thái độ cứng rắn và kiên quyết theo đuổi mục tiêu.
Đối đầu Nga-phương Tây trong vấn đề Ukraine tiếp tục tăng nhiệt
Có thể nói, các cuộc giao tranh, tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) trên thực địa giữa lực lượng Nga và Ukraine, cùng hành động thực tế của các bên liên quan trong năm 2023 đã làm lu mờ triển vọng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Thực tế thì trong năm 2023, vũ khí của phương Tây tiếp tục được gửi tới Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí hiện đại như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), hệ thống phòng không Patriot, tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ; tên lửa tầm xa Storm Shadow và hệ thống phóng tên lửa hàng loạt (MLRS) M270 của Anh...
“Bất cứ giá nào” đã trở thành cụm từ thường được lãnh đạo các nước phương Tây công khai lặp đi lặp lại khi kêu gọi dư luận trong nước ủng hộ cho các cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine.
Việc Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức xúc tiến đàm phán kết nạp Ukraine cho thấy những lo ngại về an ninh của Moskva đã bị phớt lờ và càng khiến mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây chạm đáy, vô hình trung đẩy cuộc xung đột ở Ukraine càng thêm bế tắc.
Với việc Mỹ và các quốc gia thành viên NATO chuyển hàng loạt thiết bị quân sự trị giá hàng chục tỷ USD vào Ukraine, năm 2023, NATO không ngừng tăng cường chi tiêu quốc phòng, với mức hơn 1.300 tỷ USD, từ 1.200 tỷ USD năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/12 cũng ký ban hành đạo luật cho phép chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2024 tăng lên mức kỷ lục 886 tỷ USD (năm 2023 là 858 tỷ USD).
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tháng trước đã phê duyệt ngân sách liên bang năm 2024 và giai đoạn 2025-2026, trong đó tăng đáng kể chi tiêu quân sự, năm 2024 dự kiến sẽ tăng gần 70% so với năm 2023.
Bên cạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ và phương Tây tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga, từ hạn chế khả năng Nga giao dịch với các ngân hàng trên thế giới cho tới áp lệnh cấm nhập khẩu công nghệ, tẩy chay các sản phẩm năng lượng và áp giá trần dầu mỏ nhằm ngăn chặn nguồn doanh thu hàng đầu của Moskva.
Mới nhất, EU ngày 18/12 đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 chống Nga, tập trung vào việc áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, cũng như áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga.
Đối đầu Nga-phương Tây càng trở nên khó kiểm soát khi hai bên dần rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chung.
Ngày 2/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) để đáp trả việc Mỹ ký văn kiện này năm 1996, nhưng sau đó không phê chuẩn.
Năm ngày sau, Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Trên thực tế thì thỏa thuận ký kết năm 1990 này đã không được thực hiện từ năm 1999 bởi NATO từ chối thông qua phiên bản cập nhật của hiệp ước và thúc đẩy tiến trình mở rộng về phía Đông, hành động mà Nga cho rằng “ đã khuyến khích các nước NATO công khai qua mặt những biện pháp hạn chế của hiệp ước.”
Hồi tháng Hai, Nga cũng đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) ký với Mỹ bởi Moskva cho rằng Washington sử dụng hiệp ước để giúp Ukraine tấn công các địa điểm chiến lược của Nga.
Giải pháp hòa bình vẫn bỏ ngỏ
Khi Nga-phương Tây tiếp tục đối đầu và cuộc xung đột Nga-Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba, câu hỏi khi nào tìm được giải pháp hòa bình cho vấn đề này vẫn bỏ ngỏ.
Đến nay, Ukraine vẫn chủ yếu dựa vào kho đạn dược do các nước phương Tây tích lũy trước ngày 24/2/2022. Tuy nhiên, nguồn cung này không phải là vô hạn và đang cạn kiệt.
Phương Tây từng nhiệt tình ủng hộ Ukraine cả về vật chất và tinh thần, cũng đã bắt đầu tỏ ra mệt mỏi trước các đòi hỏi của Kiev về vũ khí và tài chính.
Ngày 31/5/2023, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD. Trong ảnh: Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tình trạng rối ren và chia rẽ trong nội bộ chính trường Mỹ đang làm gián đoạn sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.
Với cuộc xung đột đang leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, tình hình càng trở nên khó khăn hơn với Ukraine.
Trong khi đó, kế hoạch mới của EU viện trợ 21,4 tỷ USD cho Ukraine vẫn chưa thể triển khai do rạn nứt trong quan điểm của các thành viên EU.
Lãnh đạo các nước Bulgaria, Hungary và gần đây là Slovakia cho rằng việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ không giúp giải quyết xung đột Nga-Ukraine, thay vào đó nên thúc đẩy giải pháp ngoại giao.
Mặc dù vậy, khả năng Nga và Ukraine nối lại đàm phán khá xa vời.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định Kiev sẽ không ngồi xuống đàm phán và đưa ra nhượng bộ với Nga.
Những tháng cuối năm, nhà lãnh đạo Ukraine có hàng loạt chuyến công du nước ngoài để hối thúc Mỹ và phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev.
Trong khi đó, phía Nga tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải tính đến “lợi ích hợp pháp của Moskva,” bao hàm cả vấn đề Ukraine gia nhập NATO.
Trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân ngày 14/12, Tổng thống Nga cũng nhắc lại mục tiêu của Moskva trong chiến dịch quân sự ở Ukraine là "phi phátxít hóa, phi quân sự hóa và đảm bảo tình trạng trung lập của Ukraine," điều Kiev kiên quyết bác bỏ.
Không ít nhà phân tích cho rằng cuộc đối đầu Nga-phương Tây và xung đột Nga-Ukraine sẽ có những chuyển biến trong năm 2024, khi cả Nga và Mỹ đều tổ chức bầu cử tổng thống, EU cũng tiến hành bầu cử nghị viện châu Âu.
Trong khi đó, ông Rodion Miroshnik, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng với cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, các cuộc đàm phán thực chất sẽ là giữa Nga và các nước phương Tây đang hỗ trợ Kiev.
Vấn đề là các bên phải có thiện chí sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và phải coi việc chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng giải pháp hòa bình là ưu tiên hàng đầu./.
Gói trừng phạt mới mà Bộ Tài chính Mỹ ban bố nhắm đến công ty Arctic LNG 2 và nhiều cá nhân, thực thể khác của Nga có liên quan tới xung đột ở Ukraine.