Ngày 10/11, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố nước này sẽ cung cấp cho Ukraine một lô tên lửa hành trình và phòng không bổ sung.
Theo báo Le Journal du Dimanche, số vũ khí này bao gồm “khoảng một chục” tên lửa hành trình phóng từ trên không SCALP-EG có đầu đạn nặng 450kg đủ sức xuyên phá mục tiêu ở khoảng cách từ 250-290km.
Đây là một phần trong cam kết của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngoài tên lửa hành trình SCALP-EG, Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không cho hệ thống phòng không tầm ngắn Mistral để bảo vệ các đơn vị chiến đấu.
Tổ hợp tên lửa do Pháp sản xuất này được Na Uy và Estonia cung cấp cho Kiev. Tuy nhiên, không rõ số lượng tên lửa phòng không loại này sẽ được cung cấp thêm cho Ukraine.
Trước đó, ngày 9/11, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel khẳng định khối này cam kết sẽ duy trì ủng hộ Ukraine.
Phát biểu trên được đưa ra trong chuyến thăm của ông Borrel đến Ukraine. Ông Borrel đã kêu gọi các nước trong EU đẩy nhanh và mạnh hơn sự hỗ trợ tài chính, viện trợ quân sự và tăng cường huấn luyện cho quân nhân Ukraine.
Theo số liệu của Viện Kiel (Đức), EU và Anh đã chi khoảng 125 tỷ USD hỗ trợ Ukraine kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine. Trong khi đó, một mình Mỹ chi hơn 90 tỷ USD.
Về phía Nga, các quan chức nước này nhiều lần cảnh báo việc cung cấp vũ khí cho Ukraine đang cản trở tiến trình giải quyết xung đột và trực tiếp lôi kéo các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột này./.
Ông Putin cho rằng Ukraine nên giữ thái độ trung lập để có cơ hội hòa bình, đồng thời biên giới của Ukraine phải phù hợp với nguyện vọng người dân sống trên lãnh thổ do Nga tuyên bố chủ quyền.