Xung đột Nga-Ukraine: Những hệ lụy khôn lường với kinh tế toàn cầu 

Cuộc xung đột Nga-Ukraine có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời kéo theo những hệ luỵ tiêu cực, gây bất ổn xã hội ngay cả ở những khu vực rất xa biên giới Nga và Ukraine.
Xung đột Nga-Ukraine: Những hệ lụy khôn lường với kinh tế toàn cầu

Hơn 3 tháng đã trôi qua kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát. Một thỏa thuận ngừng bắn hay hòa bình vẫn còn xa vời khi các bên liên quan vẫn còn nhiều vấn đề căng thẳng chưa thể giải quyết.

Điều đáng lo ngại là tác động kinh tế quy mô toàn cầu của sự kiện này ngày một lớn, trong khi cuộc xung đột giữa hai nước nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.

Thời điểm tồi tệ

Cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào thời điểm thế giới vừa trải qua hai năm điêu đứng vì COVID-19 và đang kỳ vọng vào giai đoạn phục hồi hậu đại dịch.

Tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2007-2008, các ngân hàng trung ương và chính phủ trong mùa dịch đã nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tàn phá của đại dịch.

Nhưng khi tình hình dịch bệnh đã có sự cải thiện, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung dài ngày đã đẩy lạm phát tại nhiều nước lên cao kỷ lục.

Tình hình đó buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại để kiềm chế lạm phát, qua đó có thể tác động mạnh tới đà tăng trưởng.

Một cú sốc nguồn cung cũng bất ngờ xảy ra trên thị trường năng lượng, đột ngột đẩy giá dầu lên các mức cao trái ngược với xu hướng giảm sâu hồi đại dịch hoành hành và khiến chi phí năng lượng ở một loạt nước leo thang.

Tình hình càng bi đát hơn khi Nga-nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất, dầu mỏ lớn thứ hai và than đá lớn thứ ba thế giới-tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.

Sự kiện này đã châm ngòi cho một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, mới đây nhất là một lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với hầu hết nguồn dầu nhập khẩu từ Nga.

Không khó hiểu khi một loạt yếu tố như vậy đẩy giá dầu và khí đốt liên tiếp tăng vọt, với mức tăng ước khoảng gần 50% tính từ đầu năm tới nay.

Lạm phát đang hoành hành trên toàn thế giới và ngay cả các nước giàu cũng đang phải hứng chịu tác động từ cuộc xung đột này.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng dịch vụ tài chính JP Morgan dự báo giá dầu có nguy cơ tăng lên 175 USD/thùng trong những năm tới, cùng với khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ.

Xung dot Nga-Ukraine: Nhung he luy khon luong voi kinh te toan cau hinh anh 2Cánh đồng lúa mỳ ở Mala Dyvitsya, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Không chỉ tác động tới giá năng lượng, cuộc xung đột cũng đẩy giá nông sản tăng vọt và đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu

Tính tới hiện tại, giá lúa mỳ đã tăng khoảng 35%, giá ngô tăng 17%, giá đậu tương tăng 8%…

Trên thực tế, Nga và Ukraine chiếm khoảng 25% lượng xuất khẩu lúa mỳ thế giới, 15% xuất khẩu ngô và gần như toàn bộ lượng xuất khẩu dầu hướng dương.

Điều này cho thấy cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời kéo theo những hệ luỵ tiêu cực, gây bất ổn xã hội ngay cả ở những khu vực rất xa biên giới Nga và Ukraine.

Một số ước tính của các tổ chức quốc tế cho rằng xung đột Nga-Ukraine có thể đẩy 250 triệu người vào cảnh đói kém.

Các loại hàng hóa quan trọng khác cũng không tránh được tác động từ sự kiện này. Khoảng 25% nickel cấp cho hoạt động sản xuất pin xe điện đến từ Nga.

Trên thực tế, 50% lượng uranium nhập khẩu của Mỹ đến từ Nga, chưa kể đến đồng, palladium và những hàng hóa khác.

Nhưng các lệnh trừng phạt khiến các tàu chở hàng Nga khó rời Biển Đen, đồng nghĩa là một cú sốc lớn từ phía cung đang thành hình ngày một rõ.

Ai sẽ thiệt hại lớn nhất?

Nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo rằng, các nhóm yếu thế ở những nước đang phát triển sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi giá dầu và lương thực tăng cao do xung đột tại Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt. Báo cáo mới nhất từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết lạm phát trong tháng 5/2022 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng ở mức 8,1% - con số so sánh theo năm cao nhất từng được Cơ quan này ghi nhận.

[Liên hợp quốc cảnh báo khủng khoảng lương thực toàn cầu nghiêm trọng]

Lạm phát cao đang kìm nén đời sống các hộ gia đình trên khắp châu Âu, với 83% gia đình Tây Ban Nha, 80% ở Anh, 76% ở Italy, 66% ở Pháp, 65% ở Đan Mạch và 62% ở Thụy Điển đều báo cáo chi tiêu hàng ngày tăng trong một cuộc thăm dò ý kiến của công ty nghiên cứu thị trường YouGov .

Không chỉ các nước châu Âu ở gần khu vực chiến sự mới chịu nhiều tác động. Cách xa Lục địa già, người dân ở các khu vực khác như Trung Đông và châu Phi cũng đang chịu áp lực lớn khi tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga-Ukraine lan ra toàn cầu.

Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, xung đột Nga-Ukraine kéo dài có thể dẫn đến bất bình đẳng thu nhập cao hơn và gây ra bất ổn chính trị-xã hội ở Ai Cập, Jordan, Liban, Morocco và Tunisia.

Ai Cập phụ thuộc tới 86% lượng nhập khẩu lúa mỳ từ Nga và Ukraine, trong khi lương thực chủ đạo của nước này bánh mỳ.

Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho thấy giá lúa mỳ thế giới đã tăng tới 19,7% trong tháng 3/2022, đạt mức cao nhất từ năm 1990 cùng với giá lúa mạch và lúa mỳến.

Điều này sẽ gây sức ép không hề nhỏ với Ai Cập, khi nước này đối mặt với cả giá lương thực và năng lượng cao.

Khu vực châu Phi phía Nam Sahara, nơi 40% ngân sách gia đình dành cho thực phẩm cũng sẽ chịu nhiều thiệt hại từ cuộc xung đột xa xôi.

Xung dot Nga-Ukraine: Nhung he luy khon luong voi kinh te toan cau hinh anh 3Lúa mỳ nhập khẩu từ Ukraine tại một cửa hàng ở Hasbaya, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)

Những nạn nhân lớn nhất sẽ là Libya, Tunisia, Ai Cập và Liban, khi một báo cáo kinh tế do S&P cảnh báo các nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn cung lúa mỳ cùng các loại ngũ cốc khác từ Nga và Ukraine.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao ở những quốc gia này có thể là một yếu tố khác dẫn đến sự bất bình trong xã hội.

Trong khi đó, các biện pháp tài khóa nhằm giảm thiểu tác hại cho người tiêu dùng và tránh căng thẳng xã hội sẽ lại càng gây áp lực lên việc củng cố chính sách tài khóa của các chính phủ sau đại dịch.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023, lần lượt giảm 0,8 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng Một.

Chuyên gia kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định: “Triển vọng kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, phần lớn chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine.”

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022, từ mức 4,1% xuống còn 3,2% với lý do tương tự IMF.

Các lệnh trừng phạt và tác động

Thiệt hại từ hơn 600 lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga trong hơn 3 tháng qua khá rõ. Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, hoạt động toàn cầu của các ngân hàng nước này bị hạn chế.

Các nhà máy của Nga đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm phụ tùng để tiếp tục hoạt động. Hàng loạt thương hiệu lớn của thế giới đã rút khỏi Nga.

Hiển nhiên, Ukraine cũng chịu vô số thiệt hại từ xung đột. Có rất nhiều báo cáo nói rằng kinh tế Ukraine đang đứng trên bờ vực sụp đổ.

[CEO JPMorgan Chase cảnh báo các nhà đầu tư về một 'cơn bão' kinh tế]

Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) hồi giữa tháng Năm đã dự báo kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 20% trong năm 2022 do bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh.

Tăng trưởng có thể phục hồi trong năm 2023, nhưng những tổn thất về hạ tầng mà Ukraine phải gánh chịu là rất lớn, với ước tính lên đến 100 tỷ USD.

Về phần Nga, ngân hàng trên nhận định suy giảm tăng trưởng kinh tế tại nước này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm, với mức tăng trưởng âm 10% trong năm nay. Tuy nhiên, hệ thống tài chính của nước này đã chống chọi được với cú sốc cấm vận từ bên ngoài.

Những biện pháp Ngân hàng trung ương Nga áp dụng sau ngày 24/2 như tăng mạnh lãi suất, cung cấp, hỗ trợ thanh khoản giúp ổn định hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, các công ty năng lượng Nga có thể gặp khó khăn trong thanh toán khoản nợ nước ngoài, nguồn thu trên thị trường quốc tế suy giảm do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, tiềm ẩn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính.

Song các công ty Nga không phải bên duy nhất chịu ảnh hưởng từ một loạt lệnh trừng phạt này-chúng cũng làm mất lợi nhuận của rất nhiều công ty châu Âu.

Nhiều công ty Đức và Pháp đang phải gánh chịu hậu quả. Tất nhiên, các công ty Trung Quốc hoạt động ở phương Tây không thể hoạt động ở Nga như trước đây. Tình hình tương tự đối với các công ty Ấn Độ.

Tất nhiên, Nga cũng có thể đáp trả các biện pháp trừng phạt đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga không chỉ "khóa van" đường ống khí đốt mà còn dừng cả nguồn cung cấp nickel. Khi đó, châu Âu có thể nói "lời tạm biệt" nền kinh tế xanh cùng những chiếc xe sạch của mình.

Sau đó là câu hỏi về hệ thống tài chính toàn cầu. Tài sản của Ngân hàng trung ương Nga đã bị đóng băng và các ngân hàng nước này bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT gồm 11.000 thành viên từ đầu tháng Ba.

Trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra, cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển các hệ thống thay thế SWIFT.

Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng hệ thống Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS do nước này xây dựng, trong khi Nga đã thiết lập hệ thống nhắn tin liên ngân hàng của riêng mình có tên SPFS.

Dù vậy, SWIFT vẫn chưa có "đối thủ xứng tầm" trên toàn cầu. Hệ thống này vẫn được sử dụng cho khoảng 70% các giao dịch thanh toán trong nước Nga.

Song một yếu tố cần chú ý ở đây là quyết định loại Nga khỏi SWIFT của châu Âu và Mỹ có thể trở thành một tiền lệ, khiến những nước có quan hệ “nhạy cảm” với phương Tây cẩn trọng tìm cách đối phó trước.

Vì vậy, một loạt các cuộc thảo luận về việc mua bán dầu bằng đồng NDT đã xuất hiện và thách thức vị thế gần như độc tôn của đồng USD, bên cạnh các cuộc đàm phán về thương mại bằng đồng rupee-ruble (Ấn Độ-Nga) và nhân dân tệ-ruble (Trung Quốc-Nga).

Việc một số nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu giao dịch bằng đồng nội tệ của riêng họ có thể là một thách thức đối với đồng USD.

Trong bối cảnh đó, việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của một hệ thống thay thế rẻ hơn và hoạt động ngoài vòng ảnh hưởng của SWIFT.

Theo giới phân tích, kỳ vọng kinh tế thế giới phục hồi nhanh sau đại dịch đang trở nên mong manh khi mà xung đột Nga-Ukraine chưa có điểm dừng.

Thêm vào đó, cú sốc lạm phát đình trệ (nghĩa là lạm phát cao kèm theo suy thoái kinh tế) xảy ra hồi đầu năm nay càng làm thế giới thêm quay cuồng trong "bão tố"./.

H.Thủy (TTXVN/Vietnam+)
542 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 699
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 699
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87201893