Ngày 9/12, chính quyền Palestine và nhiều nước bày tỏ quan ngại tình hình xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel sẽ tiếp tục xấu đi, sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn tại Dải Gaza.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bày tỏ phản đối quyết định của Mỹ và lo ngại số trẻ em, phụ nữ và người già Palestine thiệt mạng tiếp tục tăng tại Dải Gaza.
Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cũng đưa ra phản ứng tương tự và kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục ngăn xung đột tiếp diễn tại Gaza, tìm cách thức vận chuyển hàng cứu trợ cũng như khôi phục cuộc sống tại vùng lãnh thổ này.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo nguy cơ tình hình ở Trung Đông "bùng nổ không thể kiểm soát" sau động thái của Mỹ.
Trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Abdollahian cho rằng tình hình khu vực có nguy cơ không thể kiểm soát nếu Mỹ tiếp tục ủng hộ chính quyền Israel cũng như xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tiếp diễn.
Ngoại trưởng Abdollahian cũng kêu gọi lập tức mở cửa khẩu Rafah nối Dải Gaza với Ai Cập nhằm cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào vùng lãnh thổ đang bị phong tỏa này.
Bên cạnh đó, ông Abdollahian nói rằng quyết định hôm 6/12 của Tổng Thư ký Guterres kích hoạt Điều 99 của Hiến chương Liên hợp quốc là “hành động dũng cảm để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng bày tỏ không đồng tình với việc Hội đồng Bảo an không thể ra nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Gaza do Mỹ bỏ phiếu bác bỏ, dù đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số các nước thành viên.
Israel mở rộng mục tiêu tấn công
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Israel mở rộng các cuộc tấn công, không kích nhằm vào Dải Gaza.
Quân đội Israel cho biết trong 24 giờ qua, lực lượng nước này đã tấn công hơn 450 mục tiêu tại Dải Gaza từ trên bộ, trên không và trên biển - nhiều nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Israel và Hamas sụp đổ hồi tuần trước, và nhiều hơn hai lần so với ngày thường.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres cảnh báo hệ thống hỗ trợ nhân đạo tại Gaza đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, điều này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Các cuộc tấn công được thực hiện ở cả miền Bắc Gaza - khu vực mà Israel tuyên bố đã hoàn thành chiến dịch hồi tháng trước - và miền Nam, nơi chiến dịch tấn công được mở rộng trong tuần này.
Theo số liệu từ cơ quan y tế Gaza, chỉ riêng trong ngày 7/12 có 350 người thiệt mạng, và tính đến ngày 8/12, tổng số nạn nhân thiệt mạng tại Dải Gaza là 17.487 người trong khi vẫn còn hàng nghìn người mất tích hoặc được cho là bị chôn vùi dưới các đống đổ nát.
Trong khi đó, Israel cho biết 94 binh sỹ nước này thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Hamas. Kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10, Israel có hơn 1.200 người thiệt mạng và hàng trăm người bị Hamas bắt làm con tin.
Liên hợp quốc thử nghiệm đưa hàng viện trợ vào Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom
Ngày 9/12, ông Carl Skau, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết cơ quan này đang thử nghiệm quy trình kiểm tra hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza tại cửa khẩu Kerem Shalom của Israel, trong khi các hoạt động nhằm cho phép các xe chở hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza qua cửa khẩu này vẫn đang được tiến hành.
Theo quy trình mới, các xe tải sẽ đi từ Jordan đến cửa khẩu Kerem Shalom nằm trên khu vực giáp ranh giữa Israel, Gaza và Ai Cập, sau đó tiến vào Gaza qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập cách đó 3km.
Tòa nhà bị phá hủy sau vụ tấn công của lực lượng Israel tại Beit Lahia, phía Bắc Dải Gaza ngày 8/12/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Tuy nhiên, theo ông Skau, các xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo cần phải được đi thẳng vào Gaza từ cửa khẩu Kerem Shalom nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại đây.
Cho đến nay, Israel vẫn từ chối yêu cầu của Liên hợp quốc và các bên liên quan trong việc mở cửa khẩu Kerem Shalom. Tuy nhiên, ngày 7/12, Nhà nước Do Thái đã phát tín hiệu cho thấy cửa khẩu Kerem Shalom có thể sớm tham gia tiến trình vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Theo ông Skau, tình hình tại Gaza đang ngày càng hỗn loạn khi người dân tìm mọi cách lấy hàng viện trợ tại các điểm phân phát.
Nhiều người sơ tán về khu vực phía Nam, giáp giới với Ai Cập, và các xe tải chở hàng viện trợ có nguy cơ bị các cư dân chặn lại nếu xe di chuyển chậm qua các điểm giao cắt. Quan chức này cho biết 50% dân số Gaza đang rơi vào cảnh đói ăn, đồng thời cảnh báo "hoạt động viện trợ nhân đạo sắp sụp đổ."
Lãnh đạo Ai Cập và Nga thảo luận về tình hình Gaza
Liên quan đến tình hình tại Gaza, theo người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ai Cập Ahmed Fahmy, trong cuộc điện đàm ngày 9/12, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí tiếp tục nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở vùng lãnh thổ này.
Theo người phát ngôn, cuộc điện đàm tập trung vào tình hình trong khu vực, đặc biệt là ở Dải Gaza, giữa lúc tình hình chính trị và nhân đạo căng thẳng.
Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về những nỗ lực của Ai Cập trong việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cần thiết để hỗ trợ người dân ở Dải Gaza.
Hai lãnh đạo nhất trí về việc tiếp tục nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn, cũng như đảm bảo rằng cộng đồng quốc tế cùng hợp tác để đạt được mục tiêu này./.