Xuất khẩu lao động vào vùng Vịnh sẽ khó khăn hơn 

(Chinhphu.vn) – Với lao động nhập cư chiếm hơn 1/2 dân số tại vùng Vịnh, các nước trong khu vực đang thắt chặt chính sách đối với lực lượng lao động này.
Xuất khẩu lao động vào vùng Vịnh sẽ khó khăn hơn

Tại vùng Vịnh, lao động nhập cư là lực lượng lao động chính, tham gia vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mỗi năm lượng kiều hối các lao động nhập cư chuyển từ vùng Vịnh về quê hương lên tới 100 tỷ USD. 


Dòng tiền chảy khỏi vùng Vịnh không khỏi khiến các nước suy nghĩ. Đối với Kuwait, họ sẽ tăng phí đánh vào giấy phép lao động, tăng lệ phí visa cư trú hay nâng điều kiện về mức lương tối thiểu để người lao động được xin visa cư trú cho gia đình.

Bộ trưởng Bộ Lao động và Các vấn đề xã hội Kuwait khẳng định sẽ không có một thế lực nào dù là VIP hay giới kinh doanh visa có thể làm chậm lộ trình cắt giảm lao động nhập cư tại Kuwait.

Bộ Lao động Saudi Arabia cho biết, sẽ cắt giảm thời hạn dành cho visa lao động xuống còn 1 năm, thay vì 2 năm như trước đây. Thời gian tới, nước này sẽ tiến tới đóng cửa với lao động nhập cư tại một số ngành như du lịch, y tế hay bán hàng tại các trung tâm thương mại. 

Cũng dự kiến từ năm 2018, lao động nước ngoài làm việc tại khu vực tư nhân của Saudi Arabia sẽ bị đánh một khoản phí từ 80 đến hơn 100 USD/tháng. Đến năm 2020, mức phí này sẽ tăng lên khoảng 200 USD.

Do xung đột chính trị vừa qua khi mà Ai Cập, Saudi Arabia, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố, số lượng lao động rút khỏi Qatar tăng mạnh. 

Mỗi giờ có 57 lao động nước ngoài rời Qatar sau khi xảy ra khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, khiến số lượng nhân công nước ngoài làm việc tại đây trong quý II/2017 giảm 6,2% so với quý trước đó. Đây là mức giảm theo quý lớn nhất tại Qatar kể từ đầu năm 2016 tới nay.

Trong quý II vừa qua, tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Qatar đạt 1,88 triệu người. Hiện lĩnh vực tư nhân cũng như nhà nước của Qatar dựa chủ yếu vào lực lượng lao động nước ngoài, chiếm 94,8% tổng số nhân lực cả nước.

Gần đây, một số nước vùng Vịnh công bố những chương trình đầy quyết tâm về xây dựng chính phủ điện tử, phát triển thành phố thông minh hay áp dụng trí tuệ nhân tạo. Những bước đi này được xem là sẽ giảm đáng kể lao động nhập cư có trình độ thấp.

 

An Bình (tổng hợp)
356 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 560
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 560
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84193749