Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục đà suy giảm trong tháng 6 

(ĐCSVN) – Xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 tiếp tục suy giảm ở mức 2 con số do tác động mạnh mẽ của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm. Dự báo, nền kinh tế nước này tiếp tục rơi vào suy thoái sâu hơn sau hàng thập kỷ.
Xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục đà suy giảm trong tháng 6

Dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 20/6 cho thấy, xuất khẩu trong tháng 6 đạt khoảng 4.860 tỷ Yen (45,3 tỷ USD), giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng giảm thứ 19 liên tiếp của đất nước có thế mạnh về xuất khẩu này. Tháng 5 vừa qua, xuất khẩu nước này giảm 28,3% - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009 do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tính chung trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 32.360 tỷ Yen (300 tỷ USD). Ðây là mức giảm sâu nhất tính theo nửa năm trong vòng hơn 10 năm qua, sau mức giảm 22,8% vào sáu tháng cuối năm 2009, do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 46,6% trong tháng 6 xuống còn 724,7 tỷ Yen, trong đó sản lượng xe hơi giảm 63,3%; động cơ máy bay giảm 56% và linh kiện xe hơi giảm 58,3%. Xuất khẩu sản lượng hàng hóa Nhật Bản sang thị trường Mỹ giảm hơn 27% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 5.700 tỷ Yen.

Bên cạnh đó, xuất khẩu của nước này sang thị trường Liên minh châu Âu giảm 28,4% trong tháng 6, xuống còn 433,7 tỷ Yen và giảm 17,7% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 3.210 tỷ Yen. Xuất khẩu sang châu Á, thị trường chiếm hơn 50% tổng sản lượng xuất khẩu của Nhật Bản cũng giảm 15,3% trong tháng 6.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản chỉ giảm 0,2% trong tháng 6, xuống còn 1.240 tỷ Yen nhờ sự gia tăng xuất khẩu kim loại màu và ô tô. Trong khi đó, sản lượng hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào Nhật Bản tăng 0,8%, lên 1.390 tỷ Yen.

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản trong tháng 6 đạt 5.130,9 tỷ Yen, giảm 14,4% so cùng kỳ năm 2019 và là tháng giảm thứ 14 liên tiếp. Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu giảm 11,6% xuống còn 34.600 tỷ Yen. Ðây cũng là mức giảm sâu nhất kể từ nửa cuối năm 2016.

Cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 6 ghi nhận mức thâm hụt 269 tỷ Yen và là mức thâm hụt thứ 3 liên tiếp. Trong nửa đầu năm, cán cân thương mại này tiếp tục ghi nhận mức thâm hụt gần 2.240 tỷ Yen, lớn nhất sau mức 5.190 tỷ Yen vào nửa cuối năm 2014.

“Xuất khẩu của Nhật Bản đang trong tình trạng bấp bênh”, ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nhận định trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo số liệu được chính phủ Nhật Bản công bố tháng 5 vừa qua, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào suy thoái trong quý I/2020 sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản – nền kinh tế lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc đã giảm 3,4% trong quý I/2020. Theo số liệu thống kê, GDP của Nhật Bản cũng đã giảm 7,3% trong quý IV/2019 do hoạt động tiêu dùng và đầu tư bị ảnh hưởng bởi chính phủ Nhật Bản tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% từ 1/10/2019. Đây cũng được coi là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2014 khi tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế của chính phủ Nhật Bản vào tháng 4/2014.

Như vậy, cùng với việc Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý IV/2019, nền kinh tế Nhật Bản đã chính thức rơi vào tình trạng suy thoái sau 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái kể từ năm 2015.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế của toàn thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Chi tiêu tiêu dùng, đặc biệt là các lĩnh vực như: du lịch, hoạt động sản xuất tại nước này đều bị ảnh hưởng nghiêm trong vì COVID-19. Tiêu dùng cá nhân giảm 0,7% trong quý I/2020, đánh dấu quý thứ 2 giảm liên tiếp trong bối cảnh người dân không ra ngoài để ăn uống hay vui chơi giải trí nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này được dự đoán sẽ suy giảm 5,3% trong năm 2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994 và sau đó sẽ phục hồi trở lại khi tăng ở mức 3,3% trong năm 2021./.

 
Hoài Hà (Theo Reuters, Nikkei)
245 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 824
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 824
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87138035