Ngày 19/11, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Capella) đã gửi đơn xin xét xử vắng mặt do lý do sức khỏe.
Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu này. Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí, luật sư thông tin trong thời gian gần đây, bệnh của bị cáo Trí chuyển nặng, sức khỏe sa sút nghiêm trọng.
Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Ninh đã đưa bị cáo Trí đến Bệnh viện 19-8 Bộ Công an để thăm khám và điều trị ngoại trú trong 10 ngày, tuy nhiên sức khỏe không có dấu hiệu cải thiện. Đến ngày 18/10/2024, bị cáo Trí tiếp tục được đưa vào Bệnh viện 19-8 Bộ Công an để điều trị nội trú và được chẩn đoán về bệnh cột sống thắt lưng và các đốt sống khác có thể gây tổn thương tủy sống và các dấu hiệu bệnh liên quan khác.
Với hoàn cảnh ngặt nghèo của bị cáo Nguyễn Cao Trí, luật sư mong Hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt để giảm nhẹ thêm hình phạt, giúp bị cáo Trí có thêm tinh thần đối mặt với ca phẫu thuật lớn và có cơ hội tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Bên cạnh đó, luật sư của bị cáo Nguyễn Cao Trí cho rằng khi vụ án Vạn Thịnh Phát xảy ra đã xuất hiện rất nhiều “thông tin gây nhiễu,” làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều đơn vị doanh nghiệp, nhiều giao dịch có liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), trong đó có tập đoàn do bị cáo Trí điều hành.
Do tập đoàn có nhiều công ty, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nên khi vụ án xảy ra, bị cáo Trí sợ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của các doanh nghiệp trực thuộc. Do đó, trong hoàn cảnh hỗn loạn, bị cáo Trí đã đưa ra những quyết định vội vàng để giải quyết nhanh vấn đề, tránh trường hợp phạt hợp đồng. Từ quyết định nóng vội trên, bị cáo Trí bị vướng vào vòng lao lý.
Các Luật sư tham gia phiên xét xử phúc thẩm. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử ghi nhận tình tiết bị cáo Nguyễn Cao Trí đã khắc phục xong toàn bộ hậu quả của vụ án (nộp lại 1.000 tỷ đồng) và 299 triệu đồng án phí sơ thẩm; ghi nhận những đóng góp từ tập đoàn của bị cáo Trí cho xã hội, cộng đồng. Đặc biệt, bị cáo Trí có trách nhiệm đối với cộng đồng trong giáo dục, tham gia điều hành một trường đại học với số lượng sinh viên tăng theo từng năm. Trong thời gian bị cáo bị tạm giam, các cấp dưới của bị cáo vẫn điều hành để trường được hoạt động thông suốt.
Về việc phong tỏa một số bất động sản, luật sư cho rằng bị cáo Trí đã hoàn thành trách nhiệm dân sự trong vụ án. Trước phiên tòa phúc thẩm, gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả bao gồm cả án phí dân sự.
Bị cáo đã hoàn thành trách nhiệm dân sự và án phí nên đề nghị tòa xem xét gỡ các phong tỏa liên quan đến các bất động sản còn lại của bị cáo. Bị cáo Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất trong vụ án bị đưa ra xét xử không liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB hay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Khi Trương Mỹ Lan vướng vào vòng lao lý, bị cáo Trí ở ngoài đã chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Lan.
Tại phiên xét xử sơ thẩm, Trí bị tuyên phạt 8 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Cao Trí được Viện Kiểm sát cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giảm án còn từ 5-6 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Trương Huệ Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor, cháu gái bị cáo Trương Mỹ Lan), Luật sư Chu Thị Trang Vân đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ thêm hình phạt, bởi công việc thực tế của Vân tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chủ yếu là “phụ việc” cho Chu Lập Cơ, chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Vân hoàn toàn không tham gia bất cứ hoạt động tín dụng nào và không sử dụng tiền vay vốn cho mục đích cá nhân nhưng lại bị tòa sơ thẩm phạt mức án rất nặng (17 năm tù, vừa được đề nghị giảm án còn 14-15 năm tù). Ngoài ra, Luật sư Chu Thị Trang Vân lập luận nhận định của cấp sơ thẩm cho rằng tài sản của bị cáo Vân thực chất là của bị cáo Trương Mỹ Lan là không phù hợp, nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giải tỏa kê biên đối với một số tài sản của bị cáo Vân.
Cụ thể, luật sư đề nghị tòa xem xét lại căn nhà số 21 Trần Cao Vân (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vì đây là tài sản riêng của bị cáo Huệ Vân, không liên quan đến vụ án… Luật sư Chu Thị Trang Vân cũng cho rằng, việc cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức đối với bị cáo Vân là không phù hợp bởi thời gian bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất ngắn.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Ngoài ra, bị cáo Vân được tặng thưởng nhiều bằng khen trong phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động xã hội và tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng. Đặc biệt, sau phiên sơ thẩm, bị cáo đã nộp thêm 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Tự bào chữa tại tòa, Trương Huệ Vân trình bày, thời điểm bị cáo được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng là lúc dịch COVID-19 bùng phát nên tính đến thời điểm khởi tố thì có đến 2/3 thời gian, bị cáo chỉ tập trung vào công tác chống dịch, còn lại bị cáo tập trung vào hoạt động xúc tiến đầu tư...
Thời gian bị cáo tham gia Vạn Thịnh Phát khá ngắn. Trong khoảng thời gian đó, bị cáo cũng chưa bao giờ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ảnh hưởng đến ai hay làm điều gì sai trái. Bị cáo Vân xin tòa xem xét giảm án; đồng thời xin tòa trả lại những tài sản đảm bảo đang bị kê biên do trong số đó có nhiều bất động sản là của cá nhân bị cáo, tài sản chung của hai vợ chồng bị cáo và của bà nội bị cáo để lại.
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Luật sư Nguyễn Thành Công đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại việc bản án sơ thẩm xác định thời gian bị cáo Dung phạm tội từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022 là chưa phù hợp do Dung thực hiện hành vi giúp sức cho Trương Mỹ Lan từ ngày 7/1/2021 đến ngày 15/8/2022, khi giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc phụ trách phê duyệt tín dụng và xử lý nợ.
Ngoài ra, Luật sư Công cho rằng bị cáo Trần Thị Mỹ Dung thực hiện hành vi giúp sức theo sự chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan để thẩm định tài sản, hoàn thiện hồ sơ vay tiền cho Lan nhưng không hưởng bất kỳ lợi ích nào từ việc này.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dung cũng đã nộp thêm giấy chứng nhận của các ban ngành trong những lần làm từ thiện, nộp thêm 50 triệu đồng khắc phục hậu quả, tự nguyện dùng 170.000 cổ phần tại Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả. Luật sư hy vọng Hội đồng xét xử cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ mới này để giảm thêm hình phạt cho bị cáo.
Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung đã ký “khống” 617 hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng SCB, giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 200.690 tỷ đồng. Với hành vi trên, Dung bị tuyên phạt mức án 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản.”
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng Xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dung, giảm mức án còn 14-15 năm tù./.
Tang vật trong giai đoạn 1 gồm có tài liệu về cổ phần là 23 sổ sở hữu cổ phần với hơn 2,34 tỷ cổ phần; 1.307 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 34 sổ tiết kiệm với hơn 617 tỷ đồng...