Xử lý tham nhũng còn ít so với thực tế 

(ĐCSVN) - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim nhận định như vậy khi cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, sáng 6/9.
Xử lý tham nhũng còn ít so với thực tế

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 7, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Xử lý tham nhũng còn ít so với thực tế

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017 có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó: Quảng Nam (1 người); Kiên Giang (9 người); An Giang (4 người); Bình Thuận (2 người); Điện Biên (2 người); Quảng Ngãi (2 người); Hậu Giang (3 người); Bộ Tài chính (2 người).

Nói về con số này, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim cho rằng, chỉ 25 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra hành vi tham nhũng là quá ít trong khi “tham nhũng tràn lan, dân có thể đếm cán bộ huyện, xã nào tham nhũng”. Nguyên nhân là do tình trạng né tránh quá nhiều, khâu tổ chức thực hiện quá kém cũng như cá nhân, đơn vị chống tham nhũng không có bản lĩnh để thực hiện công việc này.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim. (Ảnh: Lê Kiên)

"Anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật, anh nào chống giả?. Tôi đề nghị sớm tổ chức những đơn vị chuyên trách chống tham nhũng một cách hiệu quả. Hiện nay có quá nhiều sự níu kéo, trì trệ. Một vụ án mà giải quyết mất năm trời không xong, tại sao vậy?", ông Kim thẳng thắn nói.

Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thái Học nhận định, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa bắt nhịp được với tinh thần của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân về phòng chống tham nhũng.

"Báo cáo nói có một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vậy bộ phận ấy ở đâu, ở tỉnh, thành nào và xử lý ra sao? Báo cáo cũng nêu hiệu quả hoạt động của một số cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng còn chưa đáp ứng yêu cầu, vậy cụ thể là cơ quan nào? Năm nào cũng đưa ra những nhận định chung chung như vậy thì không sai, nhưng chẳng có tác dụng gì", ông Học nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay, nếu nhìn lại các vụ án về tham nhũng đang điều tra, xét xử thì đa phần đã xảy ra cách đây hàng chục năm như vụ Hà Văn Thắm từ 2009, Trịnh Xuân Thanh cũng thời điểm 2009, Vinashin, Vinalines, Phạm Công Danh cũng ở giai đoạn đó.

Theo Thứ trưởng Vương, qua các vụ việc này nổi lên một số vấn đề như việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, đạo đức công vụ của cán bộ trong một số lĩnh vực yếu kém, lợi ích nhóm, cầm tiền chia chỗ này, chỗ kia; kiểm toán nội bộ và thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả; thiếu công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức...

Khó so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm

Giải trình báo cáo của Chính phủ có nêu: “kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng” và “tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm”, Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn cho hay, nhận định trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017.

“Việc so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là nội dung phức tạp và rất khó thực hiện do độ ẩn của hành vi tham nhũng và thiếu những công cụ đo lường tin cậy, có tính chất thuyết phục cao. Nhận định, dự báo nêu trên được diễn đạt chỉ nhằm mục đích thể hiện xu hướng của tình hình tham nhũng trước những nỗ lực và các tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong kỳ báo cáo”, Phó Tổng Thanh tra lý giải.

Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn thừa nhận: “Báo cáo của Chính phủ tuy đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng một số nội dung báo cáo còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém. Một số nội dung nhận xét, đánh giá còn chưa thực sự sát với tình hình, nhất là việc phân tích một số nguyên nhân của tình hình tham nhũng và những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ, thiếu những nguyên nhân về mặt chủ quan”.

Phó Tổng Thanh tra cho biết: Thanh tra Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng của các thành viên Ủy ban Tư pháp. Thanh tra Chính phủ sẽ chú trọng khắc phục tối đa những hạn chế nêu trên khi tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 trình Quốc hội./.

Thu Hằng

683 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 419
    • Thành viên Thành viên 3
    • Tổng Tổng 422
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76745275