Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kỷ luật hành chính 

(ĐCSVN) - Sáng 2.11, tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp, chế tài cụ thể để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kỷ luật hành chính; tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các cấp đùn đẩy trách nhiệm…
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kỷ luật hành chính

Chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy trách nhiệm

Đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm lớn  của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo ra những chuyển biến tích cực và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2017 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, đại biểu quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ, kỷ luật hành chính chưa nghiêm thể hiện ở nhiều lĩnh vực, từ công tác cán bộ, tài chính – ngân sách đến tài nguyên, môi trường... và diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên). (Ảnh: TH).

Theo ĐB Học, đây là “nguyên nhân của nguyên nhân” làm nền hành chính của chúng ta trì trệ và kém hiệu quả. Muốn có một nền hành chính trong sạch, vững mạnh thì kỷ luật, kỷ cương hành chính phải nghiêm. Trong Nghị quyết của Quốc hội  cần nhấn mạnh và giao nhiệm vụ này cho Chính phủ thực hiện và tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, vì đây là hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục.        

Đáng chú ý, đánh giá một cách thẳng thắn thì nhiều cán bộ trong bộ máy Nhà nước chưa thực sự thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, từ đi lại, ăn uống, chi tiêu công, quản lý tài sản công, tổ chức lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành.... Điều này đã khiến người dân bức xúc, thậm chí là bất bình, nhất là trong điều kiện đời sống của người dân ở nhiều vùng bị hạn hán, lũ lụt đang thiếu thốn đủ bề.

“Chống lãng phí phải đi liền với thực hành tiết kiệm nên Chính phủ phải có giải pháp cụ thể, chế tài cụ thể để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn là ý thức, nhân cách, lối sống của đội ngũ cán bộ trong bộ máy hành chính hiện nay”, ĐB đề xuất.

Mặt khác, ĐB Nguyễn Thái Học cũng tỏ ra băn khoăn khi báo cáo Chính phủ cũng thừa nhận “thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu”. 

“Đây là vấn đề cần suy nghĩ, bởi chúng ta quản lý nhà nước bằng pháp luật. Pháp luật thực thi không nghiêm, ban hành nhiều luật mà luật không đi vào cuộc sống thì cũng không có tác dụng”, ĐB thẳng thắn nói.

Theo ĐB, nguyên nhân do công tác tuyên truyền pháp luật thời gian qua chưa cao; việc phát hiện, xử lý vi phạm còn chưa nghiêm; cấp trên chưa làm gương cho cấp dưới, cán bộ chưa làm gương cho người dân.  “Đề nghị Chính phủ có giải pháp quán triệt để thực thi pháp luật không còn là khâu yếu”, ĐB kiến nghị. 

Chỉ rõ sức ỳ của nền hành chính là “kẻ thù” của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, dẫn lại vụ quán cà phê Xin Chào và một loạt vụ khác, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho rằng, nếu các cơ quan làm đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình thì chắc chắn các vụ việc sẽ được phát hiện, được xử lý kịp thời. Cấp trên phát huy đầy đủ trách nhiệm của mình trong kiểm tra, thanh tra thì sự việc không phải lên đến Thủ tướng. Thủ tướng không phải chỉ đạo thực hiện những vụ việc như quán cà phê Xin chào.

“Nếu dư luận báo chí không nêu, liệu các vụ việc có được phát hiện, và còn bao nhiêu vụ chưa được phát hiện?”, ĐB đặt câu hỏi.

Theo đó, đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để thúc đẩy, tăng cường tính chủ động, trách nhiệm, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, người đứng đầu cơ quan chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cấp dưới ì ra, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp trên, cấp trên phải lo thay công việc cho cấp dưới; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, tạo nên sức ép để buộc cấp dưới phải chủ động, năng động, đúng, đủ và kịp thời trách nhiệm của mình. Phải làm cho “trên nóng, dưới nóng, toàn hệ thống đều nóng”.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cũng đề nghị có giải pháp với tình trạng luật sau sửa luật trước, một luật sửa nhiều luật. Với các dự án hợp tác công tư, nhất là BT, BOT, ĐB Xuyền đề nghị xây khung pháp lý vững chắc để điều chỉnh toàn bộ nội dung.

Giá có thêm chỉ số lòng tin!

Ghi nhận việc Chính phủ chỉ đạo, điều hành đạt 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tuy nhiên đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề giá có thêm chỉ số lòng tin thì chắc chắn sự phát triển của nền kinh tế sẽ bền vững.

Trở lại sự việc xảy ra  ở Đồng Tâm, ĐB Dương Trung Quốc bày tỏ: "Cần nhìn nhận  vụ việc này như khủng hoảng về lòng tin hơn thuần túy là vụ án hình sự”.

ĐB Dương Trung Quốc  cho hay: Tất cả những gì diễn ra ở đó cho thấy nếu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trách nhiệm không quan tâm, giải quyết kịp thời đến những ý kiến, đề đạt khiếu nại của người dân, để tích tụ lại trở thành hiện tượng  tức nước vỡ bờ".

"Chúng tôi tán thành thượng tôn pháp luật, xử lý đến cùng, chúng ta đã khởi tố người dân Đồng Tâm vi phạm nhưng cho đến nay những cán bộ đánh dân, vi phạm pháp luật vẫn đứng ngoài, gây bức xúc cho người dân”, ĐB nêu quan điểm.

Nhấn mạnh đây là bài học cần rút kinh nghiệm, ĐB Dương Trung Quốc  bày tỏ mong muốn cơ quan có trách nhiệm trả lời cho những kiến nghị của người dân trong trường hợp họ chưa thông kết quả thanh tra.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh), trong khi nhiều động lực, nguồn lực đang dần suy cạn, nếu có chính sách phát huy được sức mạnh người và của, tinh thần và vật chất, đạo đức của hơn 90 triệu người dân thì sẽ tạo ra được nguồn lực, động lực mới dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhấn mạnh đến nguồn lực nội tại, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, trước hết cần phát huy dân chủ,tạo ra những  chính sách, luật pháp phát huy tối đa sáng kiến, trí tuệ tâm huyết của công dân, ban hành Luật về Hội, Luật Biểu tình để bảo đảm quyền của người dân và quản lý Nhà nước bằng luật.

Đồng cảm và chia sẻ những thách thức, nguy hiểm trong công tác bảo vệ an ninh – quốc phòng, tội phạm an ninh mạng, nguy cơ khác…tuy nhiên ĐB Nghĩa cho rằng, không vì yếu kém trong bộ máy quản lý và những nhận định hạn hẹp mang tính chất tình thế  mà làm thương tổn, suy yếu mối quan hệ “cá – nước” đầy tình nghĩa và  tin tưởng nhau giữa lãnh đạo và nhân dân từ thời kháng chiến.

ĐB Nghĩa cũng lưu ý cần cảnh giác với hiện tượng mất chủ quyền kinh tế thông qua các hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập , du lịch, di dân;  kiểm tra , thanh tra lại các vụ mua bán, sáp nhập các dự án có dấu hiệu trá hình…/.

Nhóm PV

615 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1004
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1004
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87217802