Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng (VPCC) được các địa phương thực hiện chặt chẽ, thận trọng hơn, bảo đảm vai trò và vị trí dẫn dắt của các tổ chức sự nghiệp của nhà nước trong lĩnh vực này.

Triển khai thực hiện Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, đến nay, trên cả nước đã có 43 Hội công chứng viên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập, đi vào hoạt động.

Người dân công chứng tại một Văn phòng công chứng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuấn Phong.

6 tháng đầu năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 3.268.269 hợp đồng, giao dịch (tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2017), đóng góp cho Ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 167,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số lượng sai sót, vi phạm của VPCC và công chứng viên hành nghề tại VPCC có xu hướng tăng. Trong đó, có thể kể đến số đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh về hoạt động công chứng ở các địa phương gửi về Bộ Tư pháp trong năm 2016 là 19 đơn, năm 2017 là 21 đơn thì riêng trong 5 tháng đầu năm 2018 Bộ Tư pháp đã nhận được 18 đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực công chứng; năm 2016 Thanh tra Bộ Tư pháp ra quyết định xử phạt đối với 06 VPCC và 09 công chứng viên với số tiền phạt là 86 triệu đồng thì năm 2017 số VPCC bị xử phạt đã tăng lên là 09 VPCC và số tiền phạt tăng lên 148 triệu đồng.

Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2018, nhiều Sở Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt công tác thanh tra, kiểm tra  song vi phạm trong hoạt động hành nghề công chứng còn khá nhiều; có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa một số tổ chức hành nghề công chứng như: Hà Nội đã tạm đình chỉ hoạt động đối với 01 Văn phòng công chứng, xử phạt vi phạm hành chính đối với 02 Văn phòng công chứng và 05 công chứng viên; Vĩnh Phúc tổ chức thanh tra 07 Văn phòng công chứng; Đồng Nai kiểm tra 03 Văn phòng công chứng...

Theo Thứ Trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, yêu cầu cấp thiết đối với hoạt động công chứng hiện nay là cần tập trung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức hành nghề của công chứng viên và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng hiện có, hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống tổ chức hành nghề công chứng chuyên nghiệp, bền vững, chất lượng cao.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đề nghị Sở Tư pháp các địa phương chủ động tổ chức các cuộc họp giao ban (theo quý) nhằm trao đổi, hướng dẫn các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức hành nghề công chứng và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng trên địa bàn.

“Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp để quản lý tốt và phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trong điều kiện không tiếp tục quy định về quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành; lề lối, kỷ cương, kỷ luật công việc; chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm. Gắn việc chỉ đạo triển khai với việc phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra; thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.../.

Thu Hằng