Ngày 16/8, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 bị cáo sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể của bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương - trước đó là Tổng Công ty 3/2) không thừa nhận hành vi như cáo buộc. Song lời khai của nhân chứng và nhiều bị cáo khác đã phản bác lại lời khai của bị cáo Dương.
Là bị cáo duy nhất bị cách ly, khi bị Hội đồng xét xử thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Đại Dương không thừa nhận nhiều hành vi như cáo buộc, đặc biệt là việc đồng phạm trong thâu tóm "đất vàng."
Về việc thành lập Công ty Âu Lạc, Dương khai do các cổ đông của công ty thực hiện và Dương chỉ "biết sơ sơ" chứ không tham gia.
Bị cáo cho rằng thời đó thấy tổng vông ty của bố vợ khó khăn nên mới kết nối với hai người khác để thành lập liên doanh là Công ty Tân Phú.
Nguyễn Đại Dương khai bị cáo hoàn toàn không tham gia quá trình liên doanh thành lập công ty "sân sau" như cáo buộc. Chỉ khi Viện Kiểm sát ra cáo trạng, bị cáo mới biết Công ty Âu Lạc đã chuyển tiền cho Tổng Công ty 3/2.
[Tòa án Hà Nội xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương sai phạm quản lý đất đai]
Bị cáo cũng biết việc Công ty Âu Lạc và Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43 ha nhưng không tham gia vào vụ này.
Bị cáo Dương phủ nhận nhiều nội dung trong cáo trạng truy tố và cho rằng Viện Kiểm sát buộc tội nhưng không đưa ra căn cứ pháp lý nào.
Ngay sau phần thẩm vấn Nguyễn Đại Dương, Hội đồng xét xử đã hỏi nhân chứng Dương Đình Tâm (người đứng tên 45% cổ phần Công ty Âu Lạc thay cho Dương).
Ông Tâm thừa nhận nội dung như cáo trạng của Viện Kiểm sát, ông chỉ đứng tên trên giấy tờ chứ thực tế không góp tiền vào công ty. Khoản tiền góp vốn này thực chất là của Nguyễn Đại Dương.
Sau này, khi Tâm trả lại Dương các giấy tờ nêu trên, Dương nhận lại rồi viết một tờ giấy xác nhận có nội dung thể hiện ông Tâm chỉ là người đứng tên giúp Nguyễn Đại Dương 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc. "Thực tế, tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty. Lúc đó tôi chỉ là người bán thịt lợn ở Vĩnh Phúc," ông Tâm nói.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Nguyễn Quốc Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Âu Lạc) cũng khai khoản tiền góp vốn của ông Tâm vào Công ty Âu Lạc thực chất là của Dương. Dương chủ trương thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội; liên đới cùng bị cáo Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 964 tỷ đồng.
Cụ thể, Nguyễn Đại Dương được bố vợ là bị cáo Nguyễn Văn Minh cho biết sẽ triển khai dự án trên khu đấy 43ha. Từ đó hai bố con bị cáo Minh và Dương bàn bạc thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện dự án.
Dương thành lập Công ty Âu Lạc, nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần và giao cho bị cáo Nguyễn Quốc Hùng làm Tổng Giám đốc.
Nhóm này sau đó dùng pháp nhân Âu Lạc ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty 3/2 thành liên doanh Công ty Tân Phú. Mục đích của việc này để nhận chuyển nhượng khu đất 43 ha của Tổng công ty 3/2 chỉ với giá 570.000 đồng/m2.
Nhằm tạo điều kiện cho Công ty Âu Lạc do Nguyễn Đại Dương điều hành, tháng 12/2016, bị cáo Minh đại diện cho Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỷ đồng.
Trong khi đó, khu đất này lẽ ra phải chuyển về cho Công ty của Tỉnh uỷ Bình Dương để quản lý.
Một tháng sau, dù mới thanh toán 140 tỷ đồng nhưng Tân Phú đã được Tổng công ty 3/2 giao sổ đỏ khu đất này.
Sau khi chuyển nhượng xong lô đất, bị cáo Minh lại chỉ đạo Tổng công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp từ Tân Phú sang cho Âu Lạc. Qua các thủ tục lòng vòng, Công ty Tân Phú trở thành công ty tư nhân và được sở hữu khu đất 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương./.
(TTXVN/Vietnam+)