Xét xử vụ FLC: Viện Kiểm sát yêu cầu các bị cáo tích cực khắc phục hậu quả 

Đại diện Viện Kiểm sát đã yêu cầu các bị cáo tiếp tục vận động gia đình, người thân tích cực khắc phục hậu quả để làm cơ sở xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình tranh tụng. Kim Anh

Chiều 26/7, tại phần luận tội đối với 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên tiếp tục duy trì các tài sản, đồ vật bị kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra để đảm bảo thi hành án.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) phải chịu trách nhiệm chính; 2 em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga cùng các bị cáo: Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOS); Trịnh Văn Đại (Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros); Nguyễn Văn Mạnh (Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty FLC Land); Hoàng Thị Thu Hà (nhân viên kế toán Công ty FLC Land) phải liên đới bồi thường cho các bị hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát đã yêu cầu các bị cáo tiếp tục vận động gia đình, người thân tích cực khắc phục hậu quả để làm cơ sở xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình tranh tụng.

Bản luận tội nêu rõ thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư của các tổ chức và cá nhân; đồng thời cũng là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hội nhập, bền vững và hiệu quả; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan.

Công tố viên cho rằng hành vi của các bị cáo trong vụ án này đã tác động tiêu cực đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Do vậy, cần có hình phạt nghiêm minh, mang tính răn đe, phòng ngừa; đồng thời cân nhắc điều kiện, hoàn cảnh khi thực hiện hành vi phạm tội; xem xét toàn diện về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, khoan hồng đối với các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; chủ động khắc phục hậu quả nhằm giảm bớt thiệt hại của vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát ghi nhận thái độ hợp tác của bị cáo Trịnh Văn Quyết về việc mong muốn khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Tuy nhiên đến thời điểm này, số tiền bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả là không đáng kể so với hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn mà bị cáo đã chiếm đoạt và thu lời bất chính là hơn 4.300 tỷ đồng.

Về nội dung này, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết gia đình nhà vợ bị cáo Quyết đã có đơn xin tiếp tục nộp 15 tỷ đồng để giúp bị cáo Quyết khắc phục, bồi thường thiệt hại trong vụ án. Sau khi phân tích các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng của bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án phạt đối với các bị cáo.

ttxvn_trinh van quyet1.jpg

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cụ thể, đối với nhóm 8 bị cáo bị Viện Kiểm sát truy tố về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán," đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC) từ 19 - 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản," từ 5-6 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán," tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Quyết là từ 24-26 năm tù.

Bảy bị cáo còn lại gồm Trịnh Thị Minh Huế (em gái bị cáo Quyết) bị Viện Kiểm sát đề nghị từ 17-19 năm tù; bị cáo Trịnh Thúy Nga (em gái bị cáo Quyết) từ 10-12 năm tù; Trịnh Văn Đại (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros) 14-16 năm tù; Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty BOS) từ 11-13 năm tù; Nguyễn Văn Mạnh (cựu Trưởng nhóm Vật tư cảnh quan, Phòng Mua sắm và cung ứng vật tư, Công ty FLC Land) 7-9 năm tù; Trịnh Tuân (cựu Giám đốc Công ty FLC Land) 6 năm tù đến 7 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Dung (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ 5 năm tù đến 6 năm 6 tháng tù.

Bốn bị cáo thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị) bị đề nghị từ 8-9năm tù; Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng Giám đốc) và Trần Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc) cùng bị đề nghị từ 6-7 năm tù; Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc Phòng Giám sát giao dịch, nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết) từ 3-4 năm tù về cùng tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ."

Ba bị cáo gồm: Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) bị đề nghị từ 36-42 tháng tù; Dương Văn Thanh (cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) từ 24-30 tháng tù; Phạm Trung Minh (cựu Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) từ 18-24 tháng tù về cùng tội "Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán."

Mười ba bị cáo bị truy tố về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" gồm 7 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần chứng khoán BOS (Công ty BOS) là: Nguyễn Quỳnh Anh (Tổng Giám đốc) bị đề nghị từ 4-5 năm tù; Chu Tiến Vượng (cựu Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị 3-4 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Phương (Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán); Nguyễn Thị Thu Thơm (Phó Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán); Bùi Ngọc Tú (Phó Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán) đều bị đề nghị từ 30-36 tháng tù; Trần Thị Lan (Kế toán trưởng), Quách Thị Xuân Thu (Kế toán trưởng) cùng bị đề nghị từ 24-30 tháng tù.

Ngoài ra các bị cáo gồm: Trịnh Văn Nam (nhân viên Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt), Trịnh Thị Thanh Huyền (nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển Bất động sản FLC Homes), Hoàng Thị Huệ (chuyên viên Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ số FLC), Nguyễn Quang Trung (lái xe Bệnh viện Đa khoa Hà Thành), Nguyễn Thị Nga (nhân viên Ban Kế toán), Đỗ Thị Huyền Trang (Phó Trưởng phòng Kế toán) cùng bị đề nghị từ 18-24 tháng tù.

Nhóm 22 bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" gồm: Hoàng Thị Thu Hà (Kế toán Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land) từ 10-11 năm tù; Đỗ Như Tuấn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng FLC Faros-Công ty Faros); Đỗ Quang Lâm (cựu Tổng Giám đốc Công ty Faros); Nguyễn Văn Thanh (cựu Trưởng Ban kiểm soát Công ty Faros); Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RTS) đều bị đề nghị từ 8-9 năm tù; Nguyễn Bình Phương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros); Nguyễn Ngọc Tỉnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và kế toán Hà Nội); Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) từ 7-8 năm tù; Nguyễn Tiến Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Faros); Nguyễn Thiện Phú (Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Faros); Trần Thị Hạnh (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán TTP) từ 6-7 năm tù; Đàm Mai Hương (cựu Kế toán trưởng Công ty Faros).

Bị cáo Lê Thành Vinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros) từ 4-5 năm tù; Lê Tân Sơn (cựu Phó Chánh Văn phòng, Thư ký Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC); Trần Thế Anh (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC); Đặng Thị Hồng (cựu Phó Trưởng Ban Pháp chế, Tập đoàn FLC); Trịnh Thị Út Xuân (nhân viên Công ty dịch vụ số FLC); Phạm Thị Hải Ninh (cựu Phó Ban đầu tư Tập đoàn FLC) từ 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm tù; Phạm Thanh Hương (kế toán Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Sevin) từ 3 năm đến 4 năm tù; Lê Văn Sắc (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên FLC Land); Trương Văn Tài (nhân viên Văn phòng Tập đoàn FLC, lái xe cho bị cáo Quyết) từ 30-36 tháng tù; Nguyễn Minh Điểm (nhân viên hành chính nhân sự Công ty BOS) từ 24-30 tháng tù./.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Xét xử vụ FLC: Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị đề nghị từ 24-26 năm tù

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt từ 19-20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” từ 5-6 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán."

(TTXVN/Vietnam+)
51 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1474
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1474
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88994489