Chiều 20/11, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil) với phần xét hỏi của Hội đồng Xét xử đối với các bị cáo.
Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil) được xác định có vai trò cầm đầu, chủ mưu, bị truy tố về hai tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Đưa hối lộ.”
Theo cáo trạng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được giao cho các thương nhân đầu mối xăng dầu quản lý. Lợi dụng việc được Nhà nước giao thu hộ và quản lý, sử dụng tiền thuộc Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Công ty Xuyên Việt Oil, Mai Thị Hồng Hạnh đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (cựu Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil, chịu trách nhiệm theo dõi tài khoản của công ty) không trích lập Quỹ đầy đủ, không thực hiện kết chuyển tiền Quỹ vào tài khoản Công ty Xuyên Việt Oil theo quy định mà chuyển tiền từ Công ty Xuyên Việt Oil vào tài khoản cá nhân của Hạnh, để Hạnh sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát 219 tỷ đồng.
Vì hành vi của Mai Thị Hồng Hạnh, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu có số dư không đúng theo quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Đồng thời, Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương không đúng số dư thực tế Quỹ.
Tương tự, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 7/2022, Mai Thị Hồng Hạnh không nộp 1.244 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường mà Công ty Xuyên Việt Oil đã thu từ người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước mà lại chuyển vào tài khoản cá nhân của Hạnh.
Ngoài ra, vào tháng 6/2021, giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương cấp cho Công ty Xuyên Việt Oil chuẩn bị hết hạn nhưng công ty không đủ điều kiện để được cấp lại, Hạnh chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Thắng (cựu Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil - Chi nhánh Hà Nội) liên hệ và chuẩn bị tiền đưa hối lộ cho cán bộ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, để xin cấp giấy phép.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Khai nhận tại tòa, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận tất cả hành vi phạm tội như cáo trạng đã nêu và cho biết bản thân là người toàn quyền quyết định tại Công ty Xuyên Việt Oil; toàn bộ hoạt động, ký báo cáo... tại công ty đều do bị cáo chỉ đạo.
Đối với số tiền thuế bảo vệ môi trường 1.244 tỷ đồng, Hạnh khai do thời điểm dịch COVID-19, giá xăng dầu biến động nên việc kinh doanh của Công ty Xuyên Việt Oil bị thua lỗ lũy kế hơn 1.100 tỷ đồng nên bị cáo đã không nộp lại số tiền thuế này mà sử dụng để bù đắp tài chính cho công ty.
Bên cạnh đó, bị cáo Hạnh khai nhận đã tuyển dụng và bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao vào Công ty Xuyên Việt Oil dựa trên sự quen biết, tin tưởng thay vì năng lực chuyên môn. Trong đó, cựu Phó Giám đốc Nguyễn Thị Như Phương không có kinh nghiệm và hiểu biết về pháp luật nhưng vẫn được giao quản lý công ty. Việc của Phương là ký các báo cáo thuộc quỹ, tài chính của công ty.
Do Hạnh hay đi công tác xa nên Phương thay bị cáo ký các văn bản, giấy tờ, nhưng theo Hạnh, bị cáo Phương không hiểu những hoạt động của công ty.Tương tự, bị cáo Đinh Tiến Dũng làm kế toán trưởng của công ty nhưng thỉnh thoảng mới tới công ty làm việc; một tháng chỉ tới khoảng 2-3 lần để coi số liệu.
Bị cáo Nguyễn Tuấn Long là Trưởng phòng Kinh doanh, nhưng cũng chỉ bán hàng, còn nhập hàng do Mai Thị Hồng Hạnh phụ trách. Hạnh khai việc bổ nhiệm hai bị cáo này được Hạnh thực hiện “theo cảm tính.”
Mai Thị Hồng Hạnh thừa nhận bản thân đã sai, nhận thức hành vi của mình và rất ăn năn hối cải. Hạnh xin Hội đồng Xét xử cho bị cáo cơ hội để khắc phục hậu quả. Bị cáo đồng ý sử dụng các tài sản không liên quan đến vụ án và vận động người thân để nộp khắc phục hậu quả.
Bị cáo cho biết, Công ty Xuyên Việt Oil hiện có một số tài sản đứng tên doanh nghiệp, cùng với tài sản cá nhân và tài sản nhờ người quen đứng tên có thể dùng để bù đắp tổn thất.
Liên quan đến hành vi vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bị cáo Nguyễn Thị Như Phương khai, công việc của bị cáo tại Công ty Xuyên Việt Oil chỉ quản lý, thủ quỹ, theo dõi tài khoản công ty chứ không nắm được thông tin về quỹ này, cũng không phải phó giám đốc quản lý tài chính như chức danh trên giấy tờ thể hiện. Phương cho biết Công ty Xuyên Việt Oil là công ty gia đình nên bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của Mai Thị Hồng Hạnh, các phó giám đốc khác trong công ty cũng làm như bị cáo.
Nguyễn Thị Như Phương trình bày, bản thân từ quê lên, kiến thức hiểu biết còn hạn chế, còn quá trẻ, kinh nghiệm chưa có. Trong quá trinh làm việc tại Công ty Xuyên Việt Oil, Phương được Mai Thị Hồng Hạnh chỉ đạo ký vào 18 báo cáo.
Trong quá trình làm việc, Phương không biểu bản chất cụ thể của những báo cáo này. Bị cáo chỉ làm công ăn lương theo tháng chứ không hưởng lợi gì thêm từ việc ký vào các báo cáo này. Chỉ đến khi làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra thì bị cáo mới nhận ra sai phạm của mình.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa vì sao tài khoản công ty chỉ có vài triệu nhưng lại ký báo cáo cho Bộ Công Thương số tiền lên đến 219 tỷ đồng, Nguyễn Thị Như Phương khai không hiểu bản chất của những con số trong báo cáo đó, chỉ biết ký theo chỉ đạo. Bị cáo bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi và khẳng định đã thành khẩn khai báo suốt quá trình điều tra.
Bị cáo mong Hội đồng Xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng để có cơ hội sửa chữa sai lầm. Bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) xác nhận lời khai của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh về số tiền 921 triệu đồng đã nhận từ bị cáo Hạnh là chính xác.
Bị cáo An cho biết bản thân đã nhận tiền từ bị cáo Hạnh 3 lần nhưng trong tờ khai trước đó ghi nhầm thành 4 lần. Đến nay, bị cáo đã nộp khắc phục 100 triệu đồng. Nguyễn Lộc An khai, khoảng tháng 3/2016, An gặp bị cáo Hạnh khi còn đang là Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, phụ trách mảng cấp giấy phép tại Khách sạn Victory, số 14 Võ Văn Tần, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hạnh đề nghị An giúp đỡ cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, trong khi Công ty còn thiếu một số điều kiện để được cấp phép (chưa đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu), kèm theo đó là một số tiền mà theo lời Hạnh là “chút quà gửi cho các cháu." Lúc này, bị cáo An nghĩ đây là “điều bình thường” vì khi đó bị cáo vừa tư vấn cho Hạnh về thủ tục cấp giấy chứng nhận. Khi mở ra, bị cáo An mới biết trong phong bì có 50 triệu đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Theo bị cáo Nguyễn Lộc An, ban đầu, Mai Thị Hồng Hạnh rất nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, sau giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19, tình hình kinh doanh gặp trở ngại, dẫn đến Hạnh có những hành vi sai phạm.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ” với cáo buộc nhận của bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh 50.000 USD. Tại tòa, Đỗ Thắng Hải thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết.
Đỗ Thắng Hải khai, bản thân chỉ làm việc theo chức năng, nhiệm vụ, không tác động và không đòi hỏi lợi ích vật chất từ phía Công ty Xuyên Việt Oil. Việc ký cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil là làm đúng thẩm quyền và không chỉ đạo cấp dưới làm sai.
Sau khi Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, trong một lần bị cáo Đỗ Thắng Hải vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, Mai Thị Hồng Hạnh đã xin gặp Hải khoảng 5 phút.
Khi cuộc gặp kết thúc thì mới thấy có 1 túi quà. Hải cho biết lúc đầu không để ý, đến sau này mở ra xem bị cáo mới biết có tiền. Hải trình bày việc nhận tiền từ Hạnh là “sai lầm lớn nhất cuộc đời” của bị cáo. Đến nay, gia đình Hải đã khắc phục toàn bộ số tiền nhận hối lộ nên bị cáo xin Hội đồng Xét xử xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt./.
Ngày 20/11, Tòa án Nhân dân mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.