Chiều 14/9, tại phần tuyên án 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), Hội đồng xét xử đã áp dụng các tình tiết để giảm nhẹ một phần hình phạt cho 23 bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ.”
Trong đó, có 14 bị cáo được tuyên hưởng án treo và được trả tự do sau phiên tòa.
Theo đó, bị cáo Bùi Thị Nối bị tuyên phạt 6 năm tù. Các bị cáo Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến bị tuyên phạt mỗi bị cáo 5 năm tù. Bị cáo Bùi Văn Tuấn, Trịnh Văn Hải, Nguyễn Văn Duệ bị tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù.
Các bị cáo còn lại Bùi Văn Niên, Bùi Thị Đục, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Mai Thị Phần, Lê Thị Loan, Đào Thị Kim, Nguyễn Văn Trung, Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng bị tuyên phạt từ 15 tháng tù treo đến 3 năm tù treo và được trả tự do sau phiên tòa.
Hội đồng xét xử nhận định, 23 bị cáo này là những người thực hiện hành vi phạm tội như: chuẩn bị các loại công cụ, phương tiện, hung khí, trực tiếp làm bom xăng, bùi nhùi, nhặt gạch đá… Hầu hết các bị cáo này đều trực tiếp tấn công lực lượng chức năng với mục đích là để chống đối lực lượng chức năng trong khi thi hành công vụ.
[Xét xử vụ án tại Đồng Tâm: Hai bị cáo bị tuyên án tử hình]
Trong đó, các bị cáo Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Quân, Bùi Văn Tiến, Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Văn Tuấn, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Duệ là những đối tượng thực hành tích cực.
Các bị cáo này đã trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng chức năng bằng những hung khí nguy hiểm, như gạch đá, bom xăng, tuýp sắt gắn dao bầu.
Do vậy, Hội đồng xét xử nhận thấy cần phải xử lý nghiêm theo đúng tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi của các bị cáo đã gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải và xin lỗi gia đình bị hại nên Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Riêng bị cáo Bùi Thị Nối đã thực hiện tội phạm rất tích cực. Tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nối không thành khẩn khai báo, có biểu hiện chống đối nên cần xử lý nghiêm trước pháp luật mới có tác dụng cải tạo, giáo dục bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đối với các bị cáo Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Xuân Điều, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Thị Đục, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan, Nguyễn Văn Trung, Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng, Hội đồng xét xử nhận định các bị cáo đã tham gia chuẩn bị các loại công cụ, phương tiện, hung khí và tham gia tấn công lực lượng chức năng ở các mức độ khác nhau.
Các bị cáo Lê Thị Loan, Đào Thị Kim không có mặt tại nhà Lê Đình Kình và không trực tiếp cùng các bị cáo khác chống đối lực lượng công an. Các bị cáo Mai Thị Phần, Trần Thị La mặc dù có mặt tại nhà Kình nhưng không trực tiếp thực hiện hành vi tấn công lực lượng công an.
Cảnh sát dẫn giải các bị cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các bị cáo Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng chỉ thực hiện hành vi chửi bới, tấn công cản trở lực lượng công an thi hành công vụ tại khu vực Trường Trung học cơ sở xã Đồng Tâm và khu vực Ao cá Bác Hồ ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo này đều đã thành khẩn khai báo, nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình và mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Quá trình tranh tụng, có luật sư cho rằng nguyên nhân sâu xa để xảy ra vụ án trên là do việc giải quyết tranh chấp đất đại tại Đồng Sênh thuộc xã Đồng Tâm chưa phù hợp, chưa triệt để, Hội đồng xét xử cho rằng, theo Quyết định số 113/QĐ-TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 386/QĐ-UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình; Quyết định số 5383/QĐ-UB ngày 20/10/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, toàn bộ đất Sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý sân bay với 16 mốc giới, đã giao cho Quân chủng Phòng không-Không quân thuộc Bộ Quốc phòng diện tích 236,7 ha đất tại xã Mỹ Lương, xã Trần Phú, xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ), xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), trong đó diện tích đất thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức là 64,66 ha (trong đó có 47,63 ha do Hợp tác xã xã Đồng Tâm quản lý).
Ngày 27/3/2015, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) ban hành Quyết định số 551/QĐ-TM về việc thu hồi 50,03 ha đất do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý tại khu vực Sân bay Miếu Môn để giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng dự án quốc phòng, trong đó diện tích thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là 32,57 ha nằm trong diện tích 64,66 ha nêu trên.
Theo Hội đồng xét xử, các tranh chấp, khiếu kiện về nguồn gốc đất Đồng Sênh đã được các cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương kiểm tra, rà soát và kết luận, khẳng định đất Đồng Sênh là đất quốc phòng; đã tổ chức đối thoại, thông báo và trả lời với công dân về kết luận thanh tra; đại đa số người dân Đồng Tâm đều đồng thuận với kết luận này.
Bị cáo Bùi Viết Hiểu, nguyên là Chủ nhiệm Hợp tác xã xã Đồng Tâm giai đoạn năm 1981-1982, trực tiếp tham gia chứng kiến việc giao, nhận đất giữa đại diện Ủy ban Nhân dânxã Đồng Tâm và Bộ Tư lệnh Công binh tại phiên tòa ngày 8/9/2020 cũng đã thừa nhận nguồn gốc đất Đồng Sênh đúng như Kết luận điều tra và Cáo trạng truy tố.
Mặt khác, theo quy định của Luật Đất đai, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý, trong trường hợp không đồng ý với Kết luận thanh tra hoặc cho rằng việc này có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực…, các bị cáo có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật chứ không được phép tổ chức chống đối, tấn công lực lượng chức năng. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận lập luận này của luật sư./.
Kim Anh-Cát Hà (TTXVN/Vietnam+)