Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan cùng 47 bị cáo hầu tòa 

Cáo trạng cho thấy dù Trương Mỹ Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này. Hồng Giang

Ngày 4/11, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB).

Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 47 bị cáo khác về các tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” “Tham ô tài sản,” “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.”

Phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 4-25/11.

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên cùng 3 thẩm phán trong Hội đồng Xét xử.

ttxvn_vu van thinh phat.jpeg

Quang cảnh phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Phiên tòa được xét xử trực tiếp tại trụ sở Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức) và kết nối trực tuyến với điểm cầu tại trại tạm giam T30 - Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Phiên tòa phúc thẩm được mở do có 48 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm trước đó.

Bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án. Bên cạnh đó, phía bị hại là Ngân hàng SCB cùng các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty Cổ phần T&H Hạ Long, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh cũng có kháng cáo.

Đầu giờ sáng 4/11, bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo đồng phạm được xe cảnh sát áp giải đến tòa án. An ninh phiên tòa được thắt chặt.

Theo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.

ttxvn_vu van thinh phat (2).jpeg

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sau khi biết 3 ngân hàng gồm Ngân hàng SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân tín, bạn bè đứng ra mua lượng lớn cổ phần.

Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan thâu tóm, nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB.

Cáo trạng cho thấy dù Trương Mỹ Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại Ngân hàng SCB.

Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn... rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình. Điều này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 2.527 hồ sơ cho vay để giải ngân từ Ngân hàng SCB tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi phí).

Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.

Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, cáo trạng xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỷ đồng.

ttxvn_vu van thinh phat (3).jpeg

Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Từ ngày 1/1/2012-31/12/2017, bị cáo vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay.

Từ ngày 1/1/2018-7/10/2022, bị cáo tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," tử hình về tội "Tham ô tài sản," 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ." Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.

Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỷ đồng./.

Chi tiết mức án sơ thẩm của 34 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

 Chi tiết mức án sơ thẩm của 34 bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố 3 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới,” Trương Mỹ Lan nhận mức án chung thân.

(TTXVN/Vietnam+)
59 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 510
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 510
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88611700