Sau 4 ngày xét xử, chiều 29/8, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã tuyên án 38 bị cáo trong đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 3 bị cáo Nguyễn Hoàng Sang (sinh năm 2001, trú tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), Lê Trường Thịnh (sinh năm 1997, trú tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) và Phan Trung (sinh năm 1996, trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) 12 năm tù giam.
Cùng với đó, tuyên phạt 33 bị cáo với mức án từ 3 năm đến 9 năm tù giam; 2 bị cáo mức án 3 năm tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách là 5 năm kể từ ngày tuyên án. Hội đồng xét xử buộc các bị cáo bồi thường hơn 5,2 tỷ đồng cho 19 bị hại được xác định bị nhóm này lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, từ tháng 3-10/2022, Nguyễn Hoàng Sang cùng các đồng phạm sang Campuchia làm việc cho công ty trá hình do 3 đối tượng người Trung Quốc (chưa rõ nhân thân, lai lịch, có tên thường gọi là Lùn, Trắng, Đen) làm chủ, trụ sở tại tòa B7, khu Venus, tỉnh Svayrieng, Camphuchia.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, công ty chuyển trụ sở đến Tòa H, khu King Crow, tỉnh Svayrieng, Campuchia. Công việc của các bị cáo là sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam.
Đối tượng người Trung Quốc đã đăng bài viết tuyển nhân viên làm việc trên mạng, trả lương cao hoặc yêu cầu các nhân viên làm việc trước dụ dỗ, lôi kéo thêm bạn bè, người thân đưa sang Campuchia để làm việc cho công ty.
Đồng thời, cho nhân viên ký hợp đồng làm việc 6 tháng, trả công 800-900 USD/tháng, các tháng tiếp theo mỗi tháng tăng 50 USD, được hưởng hoa hồng trên tổng số tiền lừa đảo được từ người bị hại.
Nhân viên ăn ở, làm việc cùng nhau trong một tòa nhà và được đào tạo bằng cách cung cấp các tài liệu, kịch bản, lời thoại lừa đảo cho nhân viên đọc, học thuộc; nhân viên mới ngồi sau các nhân viên làm việc trước để học cách làm việc.
Sau đó, đối tượng người Trung Quốc quản lý, chia nhân viên làm việc theo các tổ, nhóm để cùng nhau hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền của người Việt Nam.
Từ tháng 3-7/2022, các nhân viên sale làm việc độc lập, được giao quản lý máy tính, điện thoại liên lạc với bị hại (gọi điện hoặc nhắn tin qua zalo, facebook, telegram) dụ dỗ bị hại lập tài khoản trên trang Shopee giả mạo, Lazada giả mạo để đặt đơn hàng; hướng dẫn bị hại đặt mua đơn hàng ảo để được hưởng hoa hồng từ 10-15% trên tổng số tiền mỗi đơn hàng; cung cấp tài khoản ngân hàng của công ty dùng lừa đảo cho bị hại chuyển tiền đến.
Đối với các đơn hàng có số tiền nhỏ ban đầu, bị hại được chuyển trả tiền đầy đủ gồm tiền gốc và tiền lãi về tài khoản ngân hàng của bị hại.
Sau khi tạo được lòng tin với bị hại, các đối tượng yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền tạo mua đơn hàng ảo với số tiền lớn để được hưởng hoa hồng cao hơn, khi bị hại yêu cầu rút tiền thì nhân viên sale cùng nhân viên hậu đài đưa ra nhiều lý do như bị hại soạn sai cú pháp, lỗi hệ thống, sai số tài khoản ngân hàng... nên không rút được tiền để yêu cầu bị hại chuyển thêm tiền, nếu không sẽ bị mất toàn bộ số tiền đã chuyển kèm tiền lãi hiện có.
Nhiều bị hại đã chuyển thêm tiền thực hiện các nhiệm vụ đặt đơn hàng do các đối tượng đưa ra..., đến khi không còn khả năng chuyển thêm tiền thì các bị cáo chặn liên lạc, xóa liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Từ tháng 7-12/2022, các đối tượng người Trung Quốc chia nhân viên theo các tổ, mỗi tổ có 3 người, mỗi người được giao quản lý 1 máy tính, 1 điện thoại để lừa đảo, với hình thức nhắn tin dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia theo dõi, thả tim tiktok, nghe nhạc MP3 để được trả công trả công từ 10.000-50.000 đồng/lần hoặc thực hiện nhiệm vụ lệnh tài xỉu hoặc chẵn lẻ để bị hại đặt cược để được hưởng hoa hồng từ 30- 60% trên tổng số tiền mỗi lần đặt cược.
Ban đầu bị hại chuyển số tiền nhỏ để thực hiện nhiệm vụ đặt cược thì trao đổi nhân viên nhóm hậu đài làm nhiệm vụ quản lý tài khoản ngân hàng trả tiền gốc và tiền lãi về tài khoản ngân hàng của bị hại.
Khi bị hại chuyển số tiền lớn thực hiện xong lệnh đặt cược, yêu cầu rút tiền thì trao đổi nhân viên nhóm hậu đài làm nhiệm vụ quản lý app Corona tạo lỗi hệ thống, sửa số tài khoản ngân hàng, sửa thành bị hại chưa hoàn thành nhiệm vụ, để không cho rút tiền.
Đồng thời, yêu cầu bị hại nộp thêm tiền để xác minh tài khoản, nếu bị hại không còn khả năng nộp thêm tiền thì chặn liên lạc, khóa tài khoản của bị hại đã lập trên trang web Corona để chiếm đoạt tiền.
Từ tháng 3-12/2022, các đối tượng người Trung Quốc tên thường gọi là Lùn, Trắng, Đen đã chỉ đạo 38 bị cáo thực hiện hành vi sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng của 19 bị hại./.
Mặc dù biết điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, bị quản thúc, đánh đập, nhưng 2 đối tượng Tùng và Vĩnh vẫn liên hệ về Việt Nam với dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” để đưa 4 nạn nhân sang Campuchia.