Sáng 18/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương.
Theo quyết định xét xử của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, 254 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm với các tội danh gồm: “Đưa hối lộ,” “Nhận hối lộ,” “Môi giới hối lộ,” "Giả mạo trong công tác,” “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật,” “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác,” “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức,” “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức,” “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản,” “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Tổng số tiền hối lộ hơn 40 tỷ đồng.
Trong số đó, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 8/2021 đến tháng 9/2022) cùng 132 đồng phạm bị truy tố về tội “Nhận hối lộ.”
Một bị cáo xét xử vắng mặt về tội "Nhận hối lộ" là Đỗ Trung Học (63 tuổi, cựu Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Quá trình điều tra xác định đây là vụ án tham nhũng chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa, xảy ra trong thời gian dài, mang tính hệ thống.
Hành vi sai phạm diễn ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới, các Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, Phòng Kiểm định xe cơ giới, Phòng Tàu sông tại một số địa phương.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù là cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện nhưng lãnh đạo Cục, Phòng đến các Trung tâm đăng kiểm cùng nhau thống nhất, chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi.
Với việc “làm ngơ” trước sai phạm của cấp dưới, bị cáo Trần Kỳ Hình đã nhận hối lộ hơn 7,1 tỷ đồng từ các thuộc cấp.
Sau khi bị cáo Hình nghỉ hưu, bị cáo Đặng Việt Hà lên thay cũng đã nhận hối lộ hơn 8,5 tỷ đồng, chỉ sau hơn 1 năm nhậm chức.
Đến tháng 10/2022, khi cơ quan Công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm, lo sợ hành vi bị phát giác, bị cáo Đặng Việt Hà đã trả lại 5 tỷ đồng cho Trần Anh Quân (khi đó là quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Tiếp đó, bị cáo Hà nhờ Lại Thái Phong (cựu Phó Chánh Văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam “nghe ngóng” công tác xử lý sai phạm tại các Trung tâm đăng kiểm của cơ quan Công an.
Phong nói sẽ nhờ Nguyễn Văn Chung (là người có nhiều mối quan hệ với các cơ quan Công an) tìm hiểu giúp.
Sau đó, Hà yêu cầu Quân đưa lại 5 tỷ đồng đã trả lại trước đó rồi chuyển số tiền này nhờ Phong đưa cho Chung. Tuy nhiên, Chung không có khả năng dò la thông tin giúp mà chiếm đoạt luôn số tiền này. Sau khi bị bắt, bị cáo Đặng Việt Hà làm đơn tố cáo Phong và Chung.
Trong số 254 bị cáo bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử, có nhiều người là lãnh đạo chủ chốt đầu ngành như: hai bị cáo Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà, nguyên là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; nhiều bị cáo là Trưởng phòng, Giám đốc, Phó giám đốc các Trung tâm, có trình độ nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao, có hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác được phân công đảm nhiệm.
Các bị cáo được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát điều kiện đảm bảo an toàn đối với phương tiện cơ giới và phương tiện thủy nội địa nhưng vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Ông Huỳnh Văn Trực, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là Chủ tọa phiên tòa.
Bốn kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa gồm: Trần Thị Liên (Phó trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về kinh tế và tham nhũng), Nguyễn Vũ Mai Diễm, Lê Trương Hà Linh và Phạm Văn Hiền. Hơn 200 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên xét xử sơ thẩm.
Ngoài ra, gần 60 cá nhân, tổ chức là bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có mặt tại phiên tòa.
Một số bị hại trong vụ án gồm: Trung tâm Đăng kiểm 73-01S (bị hại liên quan hành vi tham ô tài sản của bị cáo Trương Thị Anh Vân, cựu Kế toán Trung tâm 73-01S); bị cáo Đặng Việt Hà (liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Văn Chung) và bị cáo Huỳnh Văn Tiến, cựu Giám đốc Công ty Tân Á Đông (liên quan hành vi lừa đảo của bị cáo Nguyễn Thành Lê, cựu Giám đốc Công ty Vietship).
Đáng chú ý, phiên tòa sẽ được xét xử trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 2 điểm cầu là trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố và Trại tạm giam Chí Hòa (T30)-Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Phạm Ngọc Duy, Chánh văn phòng Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tùy diễn biến phiên tòa, khi thẩm vấn đến nhóm hành vi nào, Hội đồng xét xử sẽ có thông báo trước để yêu cầu trích xuất các bị cáo liên quan tới phòng xét xử tại Tòa án Nhân dân Thành phố.
Các bị cáo bị tạm giam chưa nằm trong nhóm hành vi được thẩm vấn sẽ theo dõi diễn biến phiên tòa tại điểm cầu ở Trại tạm giam T30.
Riêng các bị cáo được tại ngoại bắt buộc phải có mặt trực tiếp tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xuyên suốt thời gian xét xử.
Dự kiến phiên toàn diễn ra trong 3 tháng./.
Sáng 18/7, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 254 bị cáo trong vụ án tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm.