Xếp hạng tín nhiệm nợ công của Nhật Bản có thể bị hạ 1-3 bậc trong thập niên tới nếu chính phủ nước này không thực thi một kế hoạch củng cố tài chính đáng tin cậy.
Đây là rủi ro mà Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba quốc gia Đông Bắc Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nêu lên trong báo cáo hằng năm về Nhật Bản được công bố gần đây, cho thấy những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách nước này phải đối mặt trong thời điểm biến động trong nền kinh tế toàn cầu gia tăng.
Thậm chí, ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản đã gặp khó khăn trong việc duy trì kỷ luật tài khóa nhằm kiểm soát nợ công, đã và vẫn là cao nhất trên thế giới tính theo tỷ lệ phần trăm trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, những nỗ lực lớn của chính phủ cùng với việc nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã đưa thâm hụt ngân sách hạ từ 8,7% GDP vào năm 2009 xuống 3,1% GDP vào năm 2019.
[Kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh nhờ chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu tăng]
Nhờ đó, nợ công của Nhật Bản ổn định ở mức khoảng 230% GDP trong giai đoạn 2015-2019, sau khi tăng liên tục trong khoảng một thập niên. Trong khi đó, nợ công của Mỹ và Khu vực sử dụng đồng euro vào năm 2019 tương ứng là 107% GDP và 84% GDP.
Đại dịch COVID-19 đã làm đình trệ những nỗ lực kiểm soát nợ của Chính phủ Nhật Bản trong việc kiểm soát nợ khi buộc nước này phải thực hiện các gói kích thích lớn trong hai tài khóa 2020 và 2021 nhằm giảm thiểu tác động kinh tế và cấp ngân sách cho các biện pháp y tế.
Trong tài khóa 2022, bắt đầu từ ngày 1/4, Chính phủ Nhật Bản đề xuất ngân sách ban đầu kỷ lục là 107.600 tỷ yen (892 tỷ USD), với thâm hụt ngân sách sẽ vẫn ở mức khoảng 6% GDP.
Mặc dù nợ công lớn, vị trí xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản vẫn ở mức cao là A hoặc A+, có thể chủ yếu do các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá các thiết chế của nước này vững, kinh tế phát triển và thu nhập đầu người cao, đầu tư trực tiếp nước ngoài cao, cơ sở nhà đầu tư trong nước lớn và sự tiếp cận đầy đủ với các thị trường vốn.
Những yếu tố này phần nào giảm thiểu những yếu kém của kinh tế Nhật Bản, dù triển vọng xếp hạng đã xấu đi trong năm 2020, khi đại dịch bùng phát.
Chính phủ Nhật Bản sẽ phải quay lại với nhiệm vụ củng cố ngân sách và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn thông qua các cải cách cơ cấu, trong đó có các nỗ lực số hóa và phát triển nền kinh tế xanh.
Để tỷ lệ nợ trên GDP không tăng thêm và đảm bảo sự bền vững về tài khóa trong dài hạn, các nhà chức trách nước này có thể cân nhắc thành lập một tổ chức độc lập với nhiệm vụ giám sát chính sách tài khóa.
Kế hoạch củng cố tài chính trong trung hạn cần tập trung kiểm soát chi cho an sinh xã hội, trong khi tăng nguồn thu thuế sau đại dịch./.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)