Ngày 23/1/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg về Chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và đã được triển khai thí điểm tại 5 địa phương trên cả nước.
Trên cơ sở này, Bộ Tư pháp đã tham mưu xây dựng Quyết định 619/QĐ-TTg quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Mới đây nhất, ngày 28/7/2017, Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP hướng dẫn điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và hướng dẫn một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm cụ thể hóa triển khai chỉ tiêu đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg.
Theo đó, Quyết định số 619/QĐ-TTg có nhiều đổi mới quan trọng với các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được giảm bớt, chỉ còn 5 tiêu chí (giảm 3 tiêu chí) và 25 chỉ tiêu (giảm 16 chỉ tiêu), tập trung vào các nội dung có liên quan đến tiếp cận pháp luật cho người dân. Đồng thời, thu hẹp đối tượng đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chỉ tập trung đánh giá cấp xã để bảo đảm tính khả thi, gắn kết, thống nhất với xây dựng, đánh giá xã đạt nông thôn mới.
Đáng chú ý, Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng và thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cấp xã nhằm tăng tính khách quan, minh bạch trong đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh:PV
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Kết quả thí điểm cho thấy, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã tạo chuyển biến mạnh trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần thiết thực vào công tác cải cách hành chính. Trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân thì việc nâng cao tiếp cận pháp luật cho người dân ngày càng hết sức quan trọng. Việc Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2017 sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện nhiệm vụ này.
Tại Hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng để công tác đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chính xác và đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu phải thật cụ thể, rõ ràng, thống nhất để cơ sở dễ thực hiện. Ngoài ra cần quan tâm đến việc bố trí ngân sách thực hiện.
Trưởng phòng phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại nêu vấn đề, một số chỉ tiêu quy định quá rộng, trong khi đó việc hướng dẫn không tập trung vào cách chấm điểm mà lại chủ yếu đi vào cách triển khai để đạt được chuẩn. Hiện nhiều địa phương đã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới trong khi việc đánh giá đô thị xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh, hiện đại cũng chưa được hướng dẫn rõ.
Ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Trưởng phòng PBGDPL tỉnh Bắc Giang cũng tỏ ra băn khoăn: “Trong trường hợp một xã đạt tiêu chí nông thôn mới mà chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì có được “nợ” không?. Bởi hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề này”.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Thanh Tú - Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp TP Hà Nội lại cho rằng: “Nếu yêu cầu phải lượng hóa từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật sẽ rất khó thực hiện. Quan trọng là làm sao qua xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tính công khai, minh bạch, dân chủ ở chính quyền cấp xã được nâng lên”.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái Nguyễn Huy Cường kiến nghị: Việc thực hiện cần linh hoạt, hài hòa với nhiệm vụ của địa phương chứ không nên cứng nhắc, chạy theo thành tích./.
Thu Hằng