Trong số 518 di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh được kiểm kê đánh giá, có đến 469 di tích chiến tranh, 4 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Trong đó, có nhiều di tích có giá trị lịch sử đặc biệt như Thành Cổ Quảng Trị, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Đường 9 - Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cầu Hiền Lương - Đôi bờ Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ… đang là những điểm thu hút khách tham quan, thăm viếng, tri ân lớn nhất của địa phương và cả nước.
Quảng Trị còn có bờ biển dài 75 km với những điểm du lịch nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái như Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ; có đường biên giới 206 km giáp với nước bạn Lào với rừng nguyên sinh và nhiều hang động như Brai, Tà Puồng ở Hướng Hóa, Khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước nóng ở Đakrông. Quảng Trịcòn là vùng đất có nhiều dân tộc và tôn giáo với những nét văn hóa, tâm linh mang sắc thái riêng, độc đáo.
Trong đó có Nhà thờ La Vang, một trung tâm hành hương quan trọng của đồng bào công giáo toàn quốc với Đại hội hành hương La Vang, một lễ hội tôn giáo có truyền thống hơn 100 năm được Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức định kỳ 3 năm một lần thu hút hàng ngàn giáo dân trong cả nước tham gia…
Từ tiềm năng, lợi thế của mình, trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, giải pháp, huy động sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành để từng bước đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của địa phương. Theo thống kê, trung bình hàng năm Quảng Trị đón trên 1 triệu lượt khách du lịch, năm cao nhất đón gần 1,5 triệu lượt khách, trong đó có gần 200.000 lượt khách quốc tế. Đáng chú ý là có trên 2/3 lượt khách du lịch đến Quảng Trị lựa chọn tham quan các di tích lịch sử cách mạng và tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Đảng, cần xác định phát triển du lịch gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư cho phát triển du lịch phải có tầm nhìn chiến lược lâu dài, đồng bộ, toàn diện nhưng phải có mục tiêu cụ thể, đầu tư trọng điểm gắn với quy hoạch. Du lịch là ngành kinh tế có tính tổng hợp, liên vùng, liên ngành, mang tính văn hóa sâu sắc và xã hội cao; phát triển ngành du lịch cần huy động và sử dụng tổng hợp các nguồn lực, các thành phần kinh tế.
Để phát huy giá trị của hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, cần coi trọng công tác đầu tư, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử theo hướng kết hợp hiệu quả giữa mục tiêu bảo tồn, tôn tạo với đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch. Về nguồn lực phát triển du lịch, huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng các cơ sở lưu trú, khu du lịch, điểm vui chơi giải trí; đầu tư khôi phục, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và liên kết các tour du lịch trên địa bàn, đặc biệt là khai thác tốt giá trị phi vật thể của hệ thống di tích để tổ chức các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và nước, tạo khả năng liên kết, hợp tác với các sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về nhiệm vụ phát triển du lịch.
Đổi mới và nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thông thoáng và bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch. Tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi về thủ tục cho du khách, nhất là ở các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn. Muốn tạo bước đột phá cho du lịch phải cấp thiết xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển một cách bài bản, lâu dài dựa trên lợi thế của địa phương.
Du lịch Quảng Trị phải tìm hướng đi cho riêng mình, tạo ra dấu ấn, sự khác biệt với sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận. Tăng cường đầu tư công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trong và ngoài nước. Nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về du lịch và phát triển du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình quảng bá và xúc tiến du lịch. Chủ động tham gia sản phẩm du lịch của mình vào “Con đường di sản miền Trung”…
Thực tế cho thấy, ngày nay du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Các địa phương tùy thuộc vào vị trí địa lý, yếu tố thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của mình đều xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kích thích các ngành kinh tế khác phát triển.
Ở phạm vi và mức độ khác nhau, các tỉnh, thành phố đều đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cũng như ban hành các đề án, chính sách liên quan để tạo nền tảng cho ngành du lịch phát triển.
Để phát triển hài hòa với các địa phương khác, một vấn đề đặt ra cho ngành du lịch của tỉnh là cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong xây dựng môi trường du lịch, thương hiệu du lịch của từng địa phương và cả vùng; có cách làm sáng tạo và năng động hơn liên kết quảng bá sự kiện văn hóa, lễ hội giữa các địa phương; tuyên truyền và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng chuyên nghiệp, thống nhất và hiệu quả để góp phần đưa du lịch trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Huy Nam
|