Xây dựng Hội Nông dân Quảng Trị vững mạnh, xứng đáng là tổ chức trung tâm, nòng cốt thực hiện các phong trào trong nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới 

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Quảng Trị lần thứ XI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của giai cấp nông dân và các cấp hội nông dân trong toàn tỉnh. Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ.

Lịch sử 88 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định giai cấp Nông dân là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác định cần phải thu hút đại bộ phận giai cấp nông dân vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo. Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về vai trò của giai cấp Nông dân Việt Nam, là nền móng góp phần quan trọng vào sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trải qua các giai đoạn lịch sử, dù dưới các hình thức, tên gọi khác nhau, Hội Nông dân Việt Nam vẫn luôn thể hiện rõ là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp Nông dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện chân chính cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp mình thống nhất với lợi ích chung của dân tộc, của cả nước, xứng đáng với vai trò chủ thể của nông dân, xứng đáng là tổ chức trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Là một bộ phận của giai cấp nông dân Việt Nam, trong những năm qua, giai cấp Nông dân Quảng Trị đã nêu cao tinh thần yêu nước, hăng say lao động sản xuất, thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi, đóng góp một phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ khi tỉnh Quảng Trị được lập lại đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các cấp, các ngành, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ tr­ương, chính sách của Đảng và Nhà n­ước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy được sức mạnh của giai cấp Nông dân, khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của tổ chức Hội Nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, chung tay góp sức vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh.

Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của các cấp Hội Nông dân trong tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo với những bước phát triển không ngừng, có tính toàn diện và trở thành phong trào hành động cách mạng của nông dân trong tình hình mới. Công tác xây dựng tổ chức và hoạt động được các cấp Hội quan tâm củng cố, kiện toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 141 tổ chức hội cơ sở, 1.184 chi hội, 915 tổ hội với 93.640 hội viên, thu hút vào tổ chức hội đạt tỷ lệ 85,8% số lao động nông nghiệp. Hàng năm, có trên 87% cơ sở hội đạt vững mạnh, không có cơ sở hội yếu kém. Năng lực quản lý, điều hành của cán bộ các cấp Hội, nhất là cán bộ cơ sở Hội trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và 3 phong trào thi đua được nâng cao.

Phong trào nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu chính đáng đã trở thành phong trào nòng cốt trong hoạt động của các cấp Hội, góp phần khích lệ, động viên hội viên và nông dân trong tỉnh phát huy nội lực, đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 21.803 hộ đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường. 

Xác định rõ vai trò chủ thể của hội viên, nông dân trong xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa xây dựng nông thôn mới trở thành một trong những phong trào thi đua trọng tâm của công tác hội, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả trong 5 năm qua, nông dân toàn tỉnh đã đóng góp được trên 923 triệu đồng, hiến trên 309 ngàn m2 đất... để xây dựng các công trình công cộng, làm mới hàng trăm km đường bê tông nông thôn, đường nội đồng, góp phần tích cực hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6 năm 2018, toàn tỉnh có 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 35%, mức đạt tiêu chí nông thôn mới là 14,15 tiêu chí/xã.

Từ các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Một trong những nét nổi bật trong nhiệm kỳ qua của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh là tích cực tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết theo chuỗi giá trị, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp để tập hợp, đoàn kết nông dân, tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nông dân. Hội chú trọng công tác tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, hướng dẫn nông dân sử dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý; chú trọng công tác đào tạo cho hội viên nông dân về kỹ năng, kiến thức, phương pháp, sản xuất, biết hạch toán trong sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ nông dân xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản; phối hợp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp.

Cùng với sự phát triển chung, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong xã hội và trong nông dân; là cầu nối giữa Ðảng, Nhà nước với nông dân. Hội đã nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng chính đáng của nông dân, là những người “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” để kịp thời phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực, chính đáng cho nông dân. Hội Nông dân các cấp cùng với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực triển khai các Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/ 2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định sô 218-QĐ/TW, ngày 12/12/ 2013 của Bộ Chính trị “quy định về Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền”, qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho nông dân.

Với những kết quả đạt được, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng nông thôn; đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Khối đại đoàn kết toàn dân được gắn bó chặt chẽ hơn, vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị ở nông thôn không ngừng được nâng cao.

Bước vào giai đoạn mới, việc thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; Để tiếp tục xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, xứng đáng là vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tạo nên sự thay đổi tích cực trong kinh tế nông thôn, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của kinh tế nông thôn, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội khôn lường. Vì vậy, Hội Nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2010 - 2020”. Tuyên truyền, vận động nông dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Để hội nhập thành công, đòi hỏi phải thay đổi cách sản xuất nông nghiệp truyền thống theo hướng hội nhập, hiện đại, sản xuất theo tín hiệu thị trường. Muốn vậy, Hội Nông dân phải tăng cường về năng lực, nguồn lực và phải có giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện sát với thực tiễn. Để làm được điều đó, Hội Nông dân phải tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân cả về chất lượng và số lượng, trong đó, quan trọng là dịch vụ về vốn tín dụng, kiến thức KHKT, dạy nghề, kỹ năng tổ chức sản xuất; hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất thông qua việc hướng dẫn xây dựng các mô hình tổ, nhóm nông dân, tổ hợp tác, Hợp tác xã để sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, có thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và các thị trường quốc tế. Phải liên kết, tập hợp những gương điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi làm nòng cốt để xây dựng các mô hình về kinh tế, tổ hợp tác, Câu lạc bộ nông dân kinh doanh - sản xuất giỏi và chính những điển hình này sẽ liên kết với doanh nghiệp tạo nên chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu để đưa ra thị trường những hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, muốn hội nhập thành công, Hội phải tập trung xây dựng người nông dân mới có kiến thức và thể lực; có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, có tay nghề cao và chuyên nghiệp, hiểu biết về pháp luật, thị trường và phải biết liên kết với nhau để cạnh tranh thì mới đáp ứng yêu cầu của hội nhập.

- Tập trung nâng cao chất lượng ba phong trào thi đua lớn, góp phần thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục phát triển bền vững Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mớiTập trung xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng thôn,  bản, làng, xã văn hóa. Vận động cán bộ, hội viên nông dân gương mẫu đăng ký thực hiện nếp sống văn minh tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội; tham gia thực hiện chương trình nâng cao dân trí bồi dưỡng nhân tài ở nông thôn. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, hội viên, nông dân.  

- Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 mà xu hướng lớn là rút ngắn khoảng cách giữa các lĩnh vực nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, Hội Nông dân các cấp cần chủ động phối hợp với các ngành để tiếp thu, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông, ngân hàng, nhà doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất từ khâu đầu vào đến bao tiêu sản phẩm; hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ với nhau sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm tổ chức lại sản xuất, tích tụ ruộng đất theo mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Hội cần hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý để nông dân hiểu và thực hiện theo pháp luật.

- Xây dựng tổ chức Hội có chất lượng và vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hình thức tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức hội xứng đáng với vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chú trọng công tác xây dựng, củng cố chi, tổ hội yếu kém, phát triển hội viên đi đôi với nâng cao chất lượng hội viên. Cán bộ hội các cấp cần phải thường xuyên học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt cả về nhận thức, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới và điều quan trọng hơn đó là, cán bộ Hội phải thực sự chủ động, dám nghĩ, dám làm, tránh tự ti, mặc cảm trong mọi hoạt động. Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; chủ động nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, những vấn đề bức xúc của cơ sở để phản ảnh kịp thời với cấp ủy, chính quyền và Hội cấp trên nghiên cứu, giải quyết.

Tự hào với truyền thống cách mạng của giai cấp Nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng trước những yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sẽ không ngừng lớn mạnh để xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của nông dân, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng văn minh, giàu đẹp và phát triển bền vững./.

1173 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 667
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 667
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77240756