Xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo dự án sửa đổi Luật Thống kê cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để Quốc hội cho ý kiến, nếu đồng thuận cao thì thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 2. Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
Xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia

Sáng 13/10, tại phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2.

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu rõ sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Luật. Theo đó, mục tiêu nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia; bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế trong các lĩnh vực.

Về phạm vi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 17 về: Quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP); rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội; sửa đổi, bổ sung điểm d, khoản 2, Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia; thay thế Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 bằng Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.

[Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ]

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, nêu rõ Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh trung thực khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng so với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, dự thảo Luật đã sửa đổi tên, sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật, đồng thời tiếp thu, sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã được tiếp thu, giải trình, nhiều nhóm vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được tiếp thu với lý do cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo, giải trình rõ về phương hướng, lộ trình xử lý các vấn đề còn lại.

Xay dung co so phap ly de thu thap cac chi tieu thong ke quoc gia hinh anh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Kinh tế nhận thấy Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia hiện hành gồm 20 nhóm với 186 chỉ tiêu; dự thảo Luật đã bổ sung Danh mục thay thế gồm 20 nhóm với 222 chỉ tiêu. So với Danh mục đã báo cáo tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung về tên nhóm chỉ tiêu (nhóm thứ 13) và sửa tên 7 chỉ tiêu, bổ sung 7 chỉ tiêu, tách, gộp một số chỉ tiêu.

Tờ trình Chính phủ cũng đã làm rõ việc sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu được quan tâm về năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic (12 chỉ tiêu), kinh tế số, chuyển đổi số (23 chỉ tiêu), giới và bình đẳng giới (26 chỉ tiêu), vùng và liên kết vùng (130 chỉ tiêu liên quan có phân tổ theo vùng), môi trường và biến đổi khí hậu (12 chỉ tiêu), các chỉ tiêu dự báo, phản ánh, đo lường kinh tế xanh, tăng trưởng xanh (24 chỉ tiêu), kinh tế tuần hoàn (5 chỉ tiêu), kinh tế bao trùm (7 chỉ tiêu).

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp nhất như giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).

Đối với thống kê tại Phụ lục II về các chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, Ủy ban Kinh tế cho rằng, dù số chỉ tiêu khá nhiều vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường tổng hợp.

Cụ thể có 23 chỉ tiêu kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số nhưng chưa thể hiện rõ nét về đo lường kinh tế số hay chưa có giải trình cụ thể và thuyết phục vì sao không đưa chỉ tiêu "Tỷ lệ các nền tảng số đang hoạt động trên thị trường Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất hay thay đổi chỉ tiêu "Tỷ lệ chi cho chuyển đổi số."

Theo thống kê có tới 130 chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng nhưng nhiều chỉ tiêu chỉ dừng ở mức phản ánh thực trạng về dân số, lao động, việc làm, sản lượng (phản ánh về lượng)… của vùng, rất khó phản ánh và đo lường mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị, phản ánh về chất (hiện chỉ có duy nhất 1 chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa).

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, đánh giá thận trọng hơn để bảo đảm có nhiều hơn các chỉ tiêu phản ánh chất lượng phát triển kinh tế-xã hội vùng, quốc gia; rà soát thêm các tiêu chí hình thành nên các chỉ tiêu lao động đã qua đào tạo, doanh thu, lao động/nhân lực ngành du lịch,… đảm bảo thống nhất trong cách tính của cơ quan Trung ương và địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, cầu thị chuẩn bị dự thảo luật mới. Dự thảo mới đã tiếp thu các nội dung rất căn bản được Ủy ban Thường vụ đặt ra về chỉ tiêu GDP, GRDP là những vấn đề rất cấp bách. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đại biểu Quốc hội cho ý kiến, nếu Quốc hội đồng thuận cao thì thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 2./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
423 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 627
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 627
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87030485