Xây dựng cánh đồng lớn ở thôn Đông Dương 

QT) - Hơn 51 ha ruộng lúa ở cánh đồng cấp 3 của thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã được xây dựng cánh đồng lớn liền vùng liền thửa, trải dài một màu xanh ngút mắt. Đây được xem là cánh đồng lớn có diện tích lớn nhất tỉnh thời điểm hiện tại chỉ với 22 hộ sản xuất, hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng trong sản xuất lúa tập trung của huyện Hải Lăng. Ông Phan Văn Quang, Giám đốc HTX Đông Dương dẫn chúng tôi qua chiếc cầu tre tạm bợ vượt qua 2 con sông Tân Vĩnh Định và Cựu Vĩnh Định để thăm cánh đồng lớn của thôn Đông Dương nằm ở bên kia đồng cấp 3.

Ông Quang cho biết, cánh đồng này vốn là nơi đất trũng hoang hóa, cách trở và khó canh tác. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, HTX đã tổ chức nhiều lần họp để thống nhất với xã viên. Theo đó, việc xây dựng mô hình nhận được sự đồng thuận cao của thành viên trong HTX. Mô hình được phát động vào thời điểm sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đòi hỏi phải được tổ chức và sắp xếp phù hợp với phương thức sản xuất mới, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và gia tăng thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất. Ông Nguyễn Đông, một hộ tham gia canh tác cánh đồng lớn thôn Đông Dương cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia sản xuất ở cánh đồng lớn. Vì canh tác ở đây chúng tôi thuận tiện trong việc gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch lúa vì ruộng liền vùng liền thửa. Nhưng chúng tôi cũng băn khoăn về đầu ra với giá cả ổn định cho lúa liệu có được đảm bảo lâu dài hay không. Ngoài ra, với sản lượng lúa khá lớn từ mô hình này nhưng ở địa phương hiện chưa có cơ sở bảo quản, hệ thống sấy, xay xát đáp ứng được… nên chúng tôi cũng khá lo lắng”.

 

Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn của HTX Đông Dương cũng gặp nhiều thuận lợi vì được kế thừa và phát triển từ rất nhiều các mô hình sản xuất trước đây như: Mô hình sản xuất lúa theo phương thức IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Việc tham gia vào mô hình cánh đồng lớn là một hình thức mới vừa thực tiễn vừa khoa học, vừa mang yếu tố cộng đồng vừa cụ thể về các lợi ích kinh tế nên việc nhận thức và tổ chức thực hiện được người dân tiếp cận nhanh. Ngoài ra, HTX giữ vai trò nòng cốt, cùng với sự chỉ đạo của chi bộ, ban công tác mặt trận, các đoàn thể quần chúng tập trung cao các giải pháp xây dựng nông thôn mới, tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nên khi triển khai xây dựng cánh đồng lớn khá thuận lợi.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn nhiều năm qua tương đối hoàn chỉnh, hệ thống tưới và tiêu úng tốt, đã xây dựng trạm bơm độc lập gồm 2 máy bơm công suất 33 kw/h, thuận lợi cho việc cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành phương thức sản xuất lúa theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện xây dựng mô hình. Cán bộ HTX có kỹ năng điều hành, có năng lực hoạt động đã được các cấp chính quyền xác nhận 3 năm liền (2013-2015) đạt danh hiệu HTX sản xuất nông nghiệp điển hình tiên tiến cấp huyện, cấp tỉnh, đủ khả năng tham gia thương thảo ký kết hợp đồng. Bắt tay vào xây dựng cánh đồng lớn, HTX đã đầu tư xây dựng và củng cố hạ tầng phục vụ sản xuất bao gồm mương máng, bờ vùng, đường nội đồng, trạm bơm, kho chứa, hệ thống điện khá hoàn chỉnh.

 

Tuy nhiên do cánh đồng lớn nằm ở cánh đồng cấp 3, bị ngăn cách bởi 2 con sông Tân Vĩnh Định và Cựu Vĩnh Định nên việc vận chuyển phân bón, giống má, khâu chăm sóc, thu hoạch lúa gặp nhiều khó khăn vì xe cơ giới phải đi đường vòng qua nhiều xã mất khoảng 20 km. Vì vậy, về lâu dài HTX cần được hỗ trợ kinh phí để xây dựng một chiếc cầu nhằm giải quyết khó khăn này. Ngoài ra, diện tích sản xuất trên mỗi hộ tương đối lớn, thời gian thu hoạch nhanh (để tái sản xuất vụ sau và chạy lũ), sân phơi gia đình nhỏ, trên địa bàn chưa có hệ thống sấy lúa gạo, tư thương không mua thóc tươi… nên bước đầu sẽ gặp khó khăn và lâu dài nếu nhà nước, doanh nghiệp không đầu tư xây dựng máy sấy và kho bãi để phục vụ sau thu hoạch. “Tại cánh đồng lớn, vụ hè thu vừa qua chúng tôi sản xuất giống lúa Bồ đề 688X2, sản lượng dự kiến 612,142 tấn/năm, giá bán theo hợp đồng đã ký với Công ty TNHH Chăm Chăm là 7.800 đồng/kg.

 

Tuy nhiên vụ vừa qua đã không thành công do cây lúa không đạt năng suất, sản lượng do nguồn giống nảy mầm thấp vì gặp thời tiết xấu. Vụ đông xuân năm nay chúng tôi đang triển khai tiếp vụ thứ 2 và đổi sang giống lúa Ma Lâm 48. Nhìn chung đến thời điểm này cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Dự kiến vụ này lúa năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha”, ông Quang cho biết. Quá trình triển khai cánh đồng lớn, HTX Đông Dương đã xây dựng khá hoàn chỉnh các hạng mục như: Hệ thống kênh mương nội đồng, xây dựng trạm bơm điện độc lập nên đã chủ động sản xuất, có tiềm năng sản xuất lúa hàng hóa để đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế trong những năm tới. Căn cứ những điều kiện trên, UBND huyện Hải Lăng đã chọn mô hình cánh đồng lớn của HTX Đông Dương làm điểm trong công tác xây dựng cánh đồng lớn và bước đầu hỗ trợ xây dựng 4 cống tiêu nội đồng với giá trị 280 triệu đồng.

 

“Về cơ bản, việc xây dựng cánh đồng lớn của HTX Đông Dương đã khá hoàn chỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để những năm tới HTX thực hiện thâm canh cây lúa quy mô lớn theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu lúa hàng hóa của thị trường, nhằm góp phần gia tăng lợi nhuận cho người trồng lúa”, ông Quang cho biết thêm.

 

Hiếu Giang

 
 
751 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 696
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 696
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87057604