Chỉ số trên, gồm 7 thông số về thương mại, đã tụt xuống mức 96,3 - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2010 và thấp hơn mức 98,6 được ghi nhận vào tháng 11/2018. Các chỉ số dưới ngưỡng 100 là dấu hiệu cho thấy xu hướng thương mại tăng trưởng thấp.
Chỉ số hằng quý của WTO dựa trên tỷ trọng thương mại hàng hóa trong quý trước, các đơn đặt hàng xuất khẩu, lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không quốc tế, số liệu của các cảng container, sản lượng và doanh số bán xe ôtô, linh kiện điện tử và nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp.
Tuyên bố của WTO cho biết: "Sự giảm tốc liên tiếp nói trên cho thấy sự cấp thiết giảm căng thẳng thương mại, bởi căng thẳng thương mại cộng với các nguy cơ chính trị và bất ổn tài chính có thể là điềm báo cho một đợt suy thoái kinh tế trên quy mô rộng."
[Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo "cú sốc kinh tế" toàn cầu]
Tháng 9/2018, WTO đã cảnh báo rằng tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chậm lại, từ mức ước tính 3,9% trong năm 2018 xuống còn 3,7% trong năm 2019, song tổ chức này cho biết sẽ xảy ra sự giảm tốc sâu hơn hay phục hồi còn tùy vào các bước chính sách.
Theo tổ chức Hội nghị về thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), căng thẳng thương mại quốc tế có thể bùng nổ vào tháng Ba tới nếu Mỹ và Trung Quốc tăng thuế đối với hàng hóa của nhau, gây hậu quả tiêu cực đến hệ thống thương mại toàn cầu.
Vòng đàm phán Mỹ-Trung mới sẽ diễn ra tại Washington từ ngày 19/2, sau khi vòng đàm phán trước tại Bắc Kinh đã kết thúc mà không có đột phá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí hạn chót ngày 1/3 tới để hai bên đạt thỏa thuận thương mại.
Nếu hạn chót này bị bỏ lỡ, Mỹ sẽ tăng mức áp thuế từ 10% hiện nay lên mức 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 200 tỷ USD, và không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả./.