Theo đánh giá vừa được WMO công bố ngày 14/1, năm 2020 đứng ở vị trí đầu tiên cùng với năm 2016 là năm nóng nhất trên hành tinh, trong một thập kỷ nhiệt độ kỷ lục.
Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nêu rõ: “Việc xác nhận rằng năm 2020 là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận là lời nhắc nhở rõ ràng rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ không ngừng, hủy hoại cuộc sống và sinh kế trên khắp hành tinh chúng ta”.
Thập kỷ trước (2011 – 2020) cũng là thập kỷ nóng nhất
Những năm nắng nóng kỷ lục thường trùng hợp với đợt El Niño mạnh, như trường hợp của năm 2016. Tuy nhiên, năm 2020 đặc biệt ấm áp mặc dù sự xuất hiện của đợt La Niña, nguyên nhân dẫn đến việc hạ nhiệt tạm thời.
Theo cơ quan của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về thời tiết, khí hậu và nước, hiện tượng này chỉ làm hạ nhiệt độ vào cuối năm.
Nhìn chung, giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn nóng nhất được ghi nhận, với các năm 2016, 2019 và 2020 dẫn đầu bảng xếp hạng. Thập kỷ qua (2011 – 2020) cũng là thập kỷ ấm nhất kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp, "trong bối cảnh xu hướng biến đổi khí hậu dài hạn".
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy biến đổi khí hậu do con người gây ra hiện nay cũng mạnh mẽ như tác động của tự nhiên”.
Hòa bình với thiên nhiên là sứ mệnh lớn lao của thế kỷ chúng ta
Nói rộng hơn, việc xếp hạng mỗi năm về nhiệt độ chỉ là một cái nhìn thoáng qua về một xu hướng dài hạn hơn nhiều. Ông Petteri Taalas cho biết: “Nồng độ các khí giữ nhiệt trong khí quyển tiếp tục phá vỡ kỷ lục và tuổi thọ lâu dài của carbon dioxide, loại khí quan trọng nhất, khiến hành tinh nóng lên trong tương lai”.
Nhìn chung, nhiệt độ chỉ là một chỉ số của biến đổi khí hậu. Các chỉ số khác là: nồng độ khí nhà kính, nhiệt lượng đại dương, độ pH đại dương, mực nước biển trung bình toàn cầu, khối lượng băng, mức độ băng biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ngoài ra, theo ông Guterres, "làm hòa với thiên nhiên là sứ mệnh lớn của thế kỷ chúng ta. Nó phải là ưu tiên hàng đầu của mọi người, ở mọi nơi”.
Trong khi đó, nắng nóng khắc nghiệt, hỏa hoạn, lũ lụt, mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương, biển băng ở Bắc Cực đang tan, tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến không thể lay chuyển trong năm nay.
Năm 2021 cũng dự kiến trong chuỗi năm nóng nhất
Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Chúng ta đang hướng tới sự gia tăng nhiệt độ thảm khốc từ 3 – 5 độ trong thế kỷ XXI.
Chuyển sang dự báo của năm nay, WMO lưu ý rằng năm 2021 cũng sẽ nằm trong chuỗi năm nóng nhất, bất chấp ảnh hưởng của quá trình hạ nhiệt tạm thời do La Niña gây ra, các tác động của nó thường mạnh hơn trong năm thứ hai. Cơ quan Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Do đó, vẫn còn phải xem mức độ làm mát liên tục do La Niña gây ra có thể tạm thời hạn chế xu hướng chung của sự ấm lên lâu dài trong năm 2021”.
Theo bản tin dự báo khí hậu toàn cầu hàng năm đến thập kỷ của WMO, có ít nhất 1/5 khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời vượt quá 1,5°C vào năm 2024. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký kết vào tháng 12/2015 bởi 195 quốc gia, là ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ không vượt quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp./.
Khánh Linh (Theo UN, WMO)