WHO và UNICEF kêu gọi các nước châu Phi sớm mở cửa trở lại các trường học 

(ĐCSVN) – Việc để thanh, thiếu niên các nước châu Phi nghỉ học ở nhà quá lâu để tránh dịch COVID-19 có thể đang tác động tiêu cực đến các em theo những cách khác nhau.
WHO và UNICEF kêu gọi các nước châu Phi sớm mở cửa trở lại các trường học

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) mới đây đã kêu gọi chính phủ các nước châu Phi thúc đẩy các biện pháp cho phép mở lại các trường học đã đóng cửa gần 6 tháng qua vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo WHO, dinh dưỡng kém, căng thẳng, gia tăng tiếp xúc với bạo lực, bóc lột và mang thai ở tuổi vị thành niên là những vấn đề mà học sinh ở khu vực châu Phi cận Sahara phải đối mặt khi không được đến trường. Trong khi đó, tại khu vực Đông và Nam Phi, số trẻ em gái, đặc biệt là các em phải di dời nhà cửa hoặc sống trong những gia đình có thu nhập thấp, nguy cơ suy dinh dưỡng và bạo lực thậm chí còn cao hơn nhiều.

Theo khảo sát của WHO và UNICEF tại 39 quốc gia châu Phi, chỉ có 6 quốc gia trong số đó là mở cửa hoàn toàn các trường học.

Nhiều chính phủ đã đóng cửa các trường học như một biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus Corona. Một số trường đã mở cửa trở lại và sau đó lại phải đóng cửa do virus gây dịch COVID-19 bùng phát trong trường học. Chẳng hạn, Kenya đã quyết định đóng cửa các trường tiểu học và trung học cho đến hết năm 2020.

Điều này đã làm ảnh hưởng đến các chương trình bữa ăn trường học – vốn cung cấp khẩu phần ăn cho hơn 10 triệu trẻ em ở châu Phi. Bên cạnh đó, việc học trực tuyến là không khả thi khi có tới 80% số học sinh ở châu Phi không tiếp cận được với internet và nguồn điện không ổn định.

“Tác động lâu dài của việc kéo dài thời gian đóng cửa trường học có nguy cơ gây tổn hại lớn hơn cho trẻ em, tương lai của chúng và cộng đồng”, theo Giám đốc phụ trách khu vực Đông Phi và Nam Phi của UNICEF Mohamed M. Malick Fall.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại các trường học cũng là một thách thức lớn ở châu Phi, nơi mà hàng triệu trẻ em phải học tập trong những lớp học đông đúc, trường học thường thiếu nước sinh hoạt và nhà vệ sinh đảm bảo. Chẳng hạn, ở khu vực châu Phi cận Sahara, chỉ có 1/4 số trường học có các dịch vụ vệ sinh cơ bản.

Để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong các trường học, WHO và UNICEF đề nghị chính phủ các nước nhanh chóng mở cửa trở lại các trường học một cách an toàn nhưng cần có các biện pháp cụ thể để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong môi trường học đường như: rửa tay thường xuyên, hằng ngày khử trùng và làm sạch các bề mặt, công trình cấp nước và quản lý tốt chất thải./.

 
Kiều Giang (theo Daily Nation, WHO)
135 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1268
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1268
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87109357