Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/3, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan nêu rõ: "Chúng tôi không muốn mọi người hoảng sợ và khuyến nghị các quốc gia tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca. Cho đến nay, chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa những hiện tượng đông máu và vaccine".
Bên cạnh đó, bà Swaminathan cũng nhấn mạnh rõ ràng rằng, hiện vẫn chưa có ca tử vong nào được báo cáo là có liên quan tới các loại vaccine COVID-19.
Hiện Anh – nước điều chế vaccine AstraZeneca cùng với sự phối hợp từ trường đại học Oxford, khẳng định không quan ngại gì về vaccine. Trong khi bên phía nhà sản xuất vaccine cũng khẳng định rằng, việc đánh giá dữ liệu an toàn không cho thấy bằng chứng về việc tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Thông báo do WHO phát đi cùng ngày khẳng định cơ quan này vẫn đang đánh giá độ an toàn của vaccine AstraZeneca/Oxford, trong bối cảnh Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đã tham gia vào nhóm các nước ngừng sử dụng loại vaccine này, trước những báo cáo về hiện tượng xuất hiện cục máu đông và tử vong đối với người sau khi tiêm chủng.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 15/3, Tổng Giám đốc WHO – Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus thông tin, kể từ ngày 12/3, nhiều nước đã ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca, xem đây là biện pháp “phòng ngừa” trước báo cáo về hiện tượng xuất hiện cục máu đông ở một số người được tiêm vaccine từ hai lô sản xuất ở châu Âu.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng chỉ rõ rằng “không nhất thiết những hiện tượng này có liên quan tới tiêm chủng”. Tuy nhiên, việc điều tra thông thường vẫn được thực hiện và điều đó cho thấy rằng các hệ thống giám sát đang hoạt động cũng như các biện pháp kiểm soát hiệu quả đã được áp dụng.
Ông Ghebreyesus cho biết, Ủy ban Tư vấn toàn cầu về An toàn vaccine của WHO đang đánh giá các thông tin sẵn có, đồng thời duy trì liên hệ chặt chẽ với Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) và dự kiến sẽ tiến hành một cuộc họp chung vào ngày hôm nay (16/3).
Tuyên bố trên được WHO đưa ra ngay sau khi một số nước gồm: Pháp, Đức và Tây Ban Nha, ngày 15/3 đã quyết định ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca như là một biện pháp phòng ngừa, trong thời gian chờ đợi đánh giá của EMA – cơ quan đã cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca tại Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 29/1.
Trước đó thì Áo, Italy, Bulgaria, Đan Mạch, Romania, Estonia, Litva, Luxembourg, Latvia cùng nước ngoài EU là Đan Mạch và Iceland đã hoàn toàn hay từng phần ngừng sử dụng loại vaccine này.
Theo ông Ghebreyesus thì hiện “mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà hầu hết các nước đang đối mặt là không được tiếp cận đầy đủ vaccine” bởi một số nước giàu nhất trên thế giới đang mua đủ lượng vaccine để bảo đảm tiêm miễn dịch “tới vài lần” cho dân số nước họ, trong khi nhiều nước khác lại chẳng có liều nào.
Qua đó, người đứng đầu WHO kêu gọi các nước trên thế giới tiếp tục cùng nhau hành động để bảo đảm khởi động tiêm chủng trong vòng 100 ngày đầu năm 2021. “Không nước nào trên thế giới có thể tiêm chủng theo cách riêng của mình để thoát khỏi đại dịch này. Tất cả chúng ta đều cùng trong một vấn đề” - ông Ghebreyesus nhấn mạnh./.
Thu Lan (Theo Reuters, Xinhua)